Thời gian qua, huyện Định Hóa đã tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giúp người lao động tiếp cận với nghề và sống bằng chính nghề đã theo học.
Năm 2013, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện và tỉnh đã phối hợp với UBND bốn xã là Đồng Thịnh, Thanh Định, Phượng Tiến và Tân Thịnh tổ chức mở được 8 lớp đào tạo nghề cho 234 học viên gồm các nghề: sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, may công nghiệp, cơ điện nông thôn, chế biến chè xanh, chè đen, sửa chữa máy kéo công suất nhỏ… Học viên tham gia học nghề hầu hết là lao động nông thôn, nhiều học viên là lao động chính của gia đình, vì vậy đa số các cơ sở dạy nghề lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, bên cạnh đó người học nghề cũng có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như: ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng... tại gia đình, đây chính là địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học. Do vậy, đa số học viên sau khi học nghề đã chủ động áp dụng kiến thức được học vào công việc lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và làm giàu cho địa phương.
Ông Hoàng Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết: Là một trong bốn xã được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Đồng Thịnh xác định công tác đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Trong năm 2013, Đồng Thịnh mở được ba lớp đào tạo nghề là: Lớp may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp và lớp sửa chữa động cơ nhỏ. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề của xã mới đạt trên 13%, so với số lượng người trong độ tuổi lao động là còn thấp và theo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là chưa đạt. Do đó, trong thời gian tới, xã mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng tay nghề cho đội ngũ lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Để thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, của UBND huyện về Định Hóa đã triển khai nhiều biện pháp, cụ thể: tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, quan điểm, mục đích, các chính sách hỗ trợ và đối tượng thụ hưởng. Các địa phương thực hiện công tác tư vấn lựa chọn ngành, nghề cho người lao động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị đến mở các lớp đào tạo nghề tại địa phương mình. Thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, học nghề chính sách hỗ trợ học nghề tại các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, huyện đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn nhằm tổ chức các ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người lao động.
Ông Trần Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Công nông nghiệp Thái Nguyên cho biết: Trong 2 năm triển khai dạy nghề nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa, chúng tôi nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền tới người dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác dạy nghề; người lao động cũng nắm được nhu cầu học nghề. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quán triệt tới đội ngũ giáo viên, đồng thời phối hợp cùng các phòng, ban của huyện tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc dạy và học nghề để hiệu quả đào tạo nghề đạt cao hơn nữa.
Với những nỗ lực của địa phương, gần 3 năm qua, toàn huyện đã mở được 31 lớp đào tạo nghề cho 753 lao động nông thôn và có 662 lao động có việc làm. Các lao động chủ yếu làm việc tại hộ gia đình và thành lập các tổ hợp tác, việc đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện hàng năm đạt từ 2-3%.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Sự phối hợp giữa các các ngành thành viên thuộc Ban chỉ đạo cấp xã chưa chặt chẽ; cán bộ theo dõi dạy nghề ở xã là kiêm nhiệm, về chuyên môn, kinh nghiệm còn thiếu nên hiệu quả quản lý dạy nghề chưa cao; khó khăn trong việc giám sát các hoạt động đào tạo của các cơ sở dạy nghề; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để khắc phục những hạn chế tồn tại trong đạo tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Định Hóa sẽ có những chính sách ưu đãi kịp thời trong thu hút tuyển chọn giáo viên dạy nghề; tổ chức sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề ở cấp cơ sở; hỗ trợ học viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn học nghề; tổ chức khảo sát những ngành nghề phù hợp với tập quán, trình độ của người dân trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu việc làm cho những lao động ở nhóm ngành nghề phi nông nghiệp. Đồng thời, có những chính sách phù hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao nhận thức cũng như tạo việc làm mới cho người lao động, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với cơ cấu phát triển của huyện, phát huy hơn nữa vai trò của người nông dân trong xây dựng nông mới. Huyện Định Hóa phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 8.000 lao động nông thôn trên địa bàn huyện được đào tạo nghề cơ bản, hằng năm sẽ có 1.700 lao động nông thôn được giải quyết việc làm.