Giải phóng mặt bằng thuận lợi khi quản lý tốt chỉ giới, mốc giới

09:01, 16/11/2013

Tuyến đường đê Mỏ Bạch (T.P Thái Nguyên) đang chuẩn bị khởi công nâng cấp thành đường đô thị cấp 4 (lòng đường độ nhựa rộng 10,5m, hè đường 4,5mx2, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng) với tổng số vốn trên 75 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là ở nơi “tấc đất, tấc vàng” nhưng công tác đền bù, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng toàn tuyến (dài gần 1km) được chính quyền các địa phương và chủ đầu tư Dự án thực hiện trong vòng có  2 tháng…

Để có mặt bằng thi công nâng cấp tuyến đường đê Mỏ Bạch đoạn từ điểm đấu nối với đường Dương Tự Minh đến cổng Trường Đại học Nông  lâm Thái Nguyên cần phải thu hồi hàng nghìn mét vuông đất và giải tỏa nhiều lều quán, cây trồng của 67 hộ dân. Số hộ bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dọc tuyến đường đê Mỏ Bạch lại được chính quyền các phường, xã: Quang Trung, Tân Thịnh, Quyết Thắng và chủ đầu tư Dự án là Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh thực hiện khá nhanh. Theo ông Tô Hạ Sĩ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (nơi có 90% số hộ dân bị ảnh hưởng), kinh nghiệm của địa phương là khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, kinh doanh phải đặc biệt chú ý tới nguồn gốc đất. Nếu tổ chức, cá nhân chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nguồn gốc đất chưa rõ thì chính quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đó buộc phải làm cam kết chấp hành đầy đủ các quy định khi Nhà nước thu hồi đất. Phường thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh rào soát mốc chỉ giới hành lang đê Mỏ Bạch, lập biên bản các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất hành lang đê. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể của phường rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích nâng cấp tuyến đường để phục vụ nhu cầu đi lại, tạo cảnh quan đô thị nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cơ bản thuận lợi. Đối với xã Quyết Thắng, phường Tân Thịnh cũng đã yêu cầu tất cả các hộ dân làm lều quán, công trình dân dụng, trồng cây trên đất hành lang đê có văn bản cam kết tự tháo dỡ công trình, chặt bỏ cây trồng và không yêu cầu bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

 

 

Do vậy, đến thời điểm này, 3 địa phương: Quang Trung, Tân Thịnh, Quyết Thắng và các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc niêm yết công khai phương án đền bù tiền đất, hỗ trợ về tài sản đợt 1 cho 13 hộ dân và đang tiếp tục hoàn tất thủ tục đền bù đất, tài sản cho 11 hộ còn lại nằm trên tuyến. Riêng các hộ mượn đất hành lang đê để làm lều quán, trồng cây, chính quyền các địa phương đã gửi thông báo yêu cầu tự tháo dỡ, chặt bỏ cây trồng và 100% số hộ cam kết tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Nguyên Thế Tuyên, cán bộ Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền 3 địa phương trên trong việc quản lý hành lang đường đê Mỏ Bạch. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương công tác đền bù, giải phóng mặt bằng toàn tuyến đường đê Mỏ Bạch được thực hiện theo đúng tiến độ. Có mặt bằng sạch, đường đê Mỏ Bạch sẽ được khởi công nâng cấp vào cuối tháng 11 này”.

 

Từ thực tế tuyến đường đê Mỏ Bạch cho thấy nếu việc cắm mốc lộ giới, chỉ giới để quản lý đất đai được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương sở tại thực hiện bài bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi thi công nâng cấp các công trình và giảm thiểu tình trạng khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai.