Quản lý và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều thách thức

08:15, 05/11/2013

Sau 17 năm kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại Phú Lương (tháng 7-1996), tính đến hết tháng 8-2013, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh lên tới con số trên 9 nghìn, trong đó, trên 1.800 người đã tử vong do AIDS. Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh những năm qua đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra.

Thái Nguyên hiện là tỉnh có số người nhiễm HIV cao thứ 3 cả nước (sau Điện Biên và T.P Hồ Chí Minh), 179/181 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã phát hiện có người nhiễm HIV. Một số huyện, thành có số lượng người nhiễm cao như: T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình. Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu vẫn là do tiêm chích ma túy. Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, toàn tỉnh có trên 7 nghìn người nhiễm HIV còn sống. Từ  năm 2010 trở về trước, bình quân mỗi năm cả tỉnh phát hiện trên 1 nghìn người nhiễm HIV mới, con số này đã giảm rõ rệt trong những năm gần  đây. Năm 2012, số người nhiễm mới là 546 người và 8 tháng năm 2013 toàn tỉnh phát hiện được 268 người.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi ở các phòng tư vấn, phòng khám ngoại trú HIV trên địa bàn toàn tỉnh, trước đây có tới 70% số bệnh nhân được phát hiện nhiễm HIV khi đã ở vào giai đoạn lâm sàng 3 và 4. Ba năm trở lại đây, tình trạng này đã được cải thiện rõ rệt, người nhiễm HIV sau khi có kết quả khẳng định được tư vấn và giới thiệu đã đến các phòng khám ngoại trú để được đăng ký quản lý chăm sóc và điều trị sớm hơn.

 

Bác sĩ Hồ Thị Quỳnh Trang, Trưởng khoa Tư vấn - Chăm sóc và Điều trị Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong đó có sự tham gia nhiệt tình của người nhiễm HIV trong các chương trình thông tin, giáo dục truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tăng tỷ lệ thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Cùng với đó là các chương trình can thiệp giảm tác hại như phát bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị thay thế... Đặc biệt, sau 2 năm chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500 bệnh nhân đang được điều trị. Điều này giúp người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV/AIDS được hòa nhập cộng đồng, đặc biệt làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Cùng với hệ thống trang thiết bị được đầu tư, nhân sự được đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật và tâm huyết, Thái Nguyên hiện đang là tỉnh có số người nhiễm HIV được điều trị và sử dụng một lượng thuốc kháng vi rút (thuốc ARV) tương đối lớn, chiếm 1/10 của cả nước.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn cho công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là nguồn kinh phí. Hiện, phần lớn kinh phí cho các dịch vụ liên quan đến điều trị HIV có được từ nguồn hỗ trợ của các Dự án, các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ này lại đang trong lộ trình bị cắt giảm hàng năm. Hiện nay các xét nghiệm cơ bản phục vụ cho khám, đánh giá ban đầu, các xét nghiệm kiểm tra định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe và đo tải lượng vi rút để đánh giá thất bại điều trị không được hỗ trợ, bệnh nhân chỉ có thể sử dụng nguồn bảo hiểm y tế nếu có thẻ BHYT, hoặc phải tự chi trả. Thực tế, bệnh nhân nhiễm HIV phần đông là lao động phổ thông hoặc không có việc làm ổn định, nhiều bệnh nhân còn đang sử dụng ma túy, mắc nhiều bệnh kèm theo, điều kiện kinh tế khó khăn, nếu không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều người sẽ khó có khả năng duy trì việc điều trị lâu dài. Khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc điều trị không đúng, không đầy đủ sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị. Việc thất bại phác đồ bậc 1, phải chuyển phác đồ bậc 2 chi phí sẽ cao gấp 10 lần (phác đồ điều trị bậc 1 khoảng 3 triệu đồng/năm, bậc 2 sẽ là 30 triệu đồng/năm).

 

Cùng với đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác đều là cán bộ kiêm nhiệm, ở một số nơi cán bộ trực tiếp tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định 56/CP. Đối với hệ thống y tế tuyến huyện, sau khi tách rời mảng dự phòng và điều trị, có nhiều sự thay đổi về nhân sự, một số cán bộ mới chưa qua đào tạo và chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh.

 

Trong khi chờ Bộ Y tế làm việc với BHYT Việt Nam để đưa thuốc điều trị HIV vào danh mục thuốc được cấp của BHYT, các hoạt động phòng, chống AIDS vẫn cần được duy trì và thúc đẩy, như tăng sự cam kết của chính quyền mỗi địa phương đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức phòng, chống căn bệnh này của mỗi người dân.