Thành lập công đoàn cơ sở: Công nhân và doanh nghiệp cùng có lợi

08:51, 12/11/2013

Khi đời sống vật chất và tinh thần của công nhân được cải thiện, họ sẽ có trách nhiệm với công việc và càng gắn bó hơn với doanh nghiệp (DN)… là những điều dễ nhận thấy ở những DN có tổ chức công đoàn (CĐ). Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tổ chức CĐ ở một số DN tư nhân không chỉ là chỗ dựa cho người lao động mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.

Đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Sơn Luyến (Công ty Sơn Luyến - có trụ sở tại xã Hóa Thượng), chúng tôi nhận thấy không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương và tinh thần trách nhiệm của những người lao động nơi đây. Khi hỏi về tổ chức CĐ, ai cũng lbày tỏ sự phấn khởi. CĐ Công ty được thành lập tháng 1-2011 với 15 thành viên. Ngay khi đi vào hoạt động, tổ chức này đã thể hiện được vai trò gắn kết và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động.

 

Anh Nguyễn Cao Quảng, Chủ tịch CĐ Công ty cho biết: CĐ đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà khi người lao động bị đau ốm; gặp mặt giao lưu, những ngày truyền thống phụ nữ, Quốc tế lao động, Quốc khánh, mừng xuân; hỗ trợ tài chính, ngày công cho người không may gặp tai nạn rủi ro. CĐ còn tổ chức liên hoan trung thu, tặng thưởng cho con em công nhân có thành tích học tập xuất sắc nhân dịp đầu năm học… những điều mà trước đây chưa được quan tâm hoặc rất hạn chế. Vấn đề tiền lương, thưởng của người lao động cũng có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự tham mưu, đề xuất của CĐ với ban lãnh đạo Công ty.

 

 

Trước đây, lương của nhân viên văn phòng vẫn được chủ DN trả khoán theo tháng. Đơn cử như trường hợp của anh Quảng khi đó là kế toán Công ty, mỗi  tháng chỉ được trả trên 2 triệu đồng. Thấy việc trả lương như vậy là chưa hợp lý và không khuyến khích được tinh thần, trách nhiệm của người lao động, CĐ đã tham mưu, đề xuất (thời điểm đó, anh Quảng chưa phải là Chủ tịch CĐ Công ty) lên Ban Giám đốc nên trả lương cho anh Quảng và những người khác theo bằng cấp (như cơ quan Nhà nước), có phụ cấp trách nhiệm cũng như khen thưởng khi có thành tích xuất sắc. Đề xuất này được Ban Giám đốc chấp nhận và áp dụng thực hiện ngay trong năm 2011. Từ đó, mức lương của anh Quảng được tính theo bằng đại học, cộng thêm phần phụ cấp trách nhiệm và thưởng… nên thu nhập của anh hiện nay đã được trên 5,7 triệu đồng/tháng. Nhiều người khác cũng đã được hưởng quyền lợi như anh Quảng. Nhờ cách làm đó, người lao động đã có ý thức thi đua lao động, trách nhiệm của mỗi người cũng được nâng lên. Được biết, tháng 10 vừa qua, Ban nữ công của CĐ Công ty còn tham gia và giành Giải Nhì toàn huyện trong Cuộc thi Cán bộ nữ công giỏi.

 

Tương tự, CĐ Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên ( trụ sở tại xã Nam Hòa) cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho công nhân. Được thành lập tháng 5-2011 chỉ với 47 đoàn viên, đến nay đã tăng lên 150 người. Hiện, tổ chức CĐ được chia thành 4 tổ gồm: Phân xưởng cơ khí – sửa chữa; Phân xưởng khai thác tuyển khoáng; Nhà máy Luyện gang và tổ văn phòng. Mỗi tổ do 1 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành CĐ phụ trách để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như hoàn cảnh của từng đoàn viên, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ hay thăm hỏi lúc ốm đau.

 

Anh Nguyễn Trọng Đông, công đoàn viên Phân xưởng cơ khí - sửa chữa, người đã gắn bó với Công ty nhiều năm cho biết: có tổ chức CĐ chúng tôi yên tâm làm việc hơn bởi mọi quyền lợi đã được tổ chức CĐ bảo vệ. Các khoản phụ cấp độc hại, tiền thưởng cũng được hưởng đầy đủ. Còn anh Hứa Quốc Toản, CĐ viên Nhà máy luyện gang phấn khởi nói: Tôi mới xin vào làm tại Công ty được 6 tháng. Trước đây, từng làm thuê cho nhiều công ty tư nhân nhưng tôi chưa thấy nơi nào người công nhân lại được quan tâm đầy đủ như ở đây.

 

Các tổ chức CĐ trên có thể hoạt động hiệu quả như vậy trước hết là được sự quan tâm của chủ DN. Riêng ở Công ty Luyện kim đen, Giám đốc đã ủng hộ vào quỹ CĐ 10 triệu đồng trong ngày thành lập. Các hoạt động của CĐ như: tổ chức gặp mặt trong ngày lễ, đại hội, tham quan nghỉ mát… đều được giám đốc tài trợ với khoản tiền không nhỏ. Còn ở Công ty Sơn Luyến, trong ngày thành lập CĐ, Ban Giám đốc đã ủng hộ 5 triệu đồng. Ngoài ra, chủ DN thường xuyên động viên, ủng hộ bằng nhiều hình thức (tiền mặt, tạo điều kiện về thời gian…) để CĐ tổ chức những hoạt động cho CĐ viên. Thành công tiếp theo của đơn vị này là đến cuối năm 2011, Công ty đã thành lập được chi bộ riêng với 3 đảng viên. Nhờ đó, công tác phát triển Đảng cũng được chú trọng. Đến thời điểm này, Công ty đã có 3 quần chúng ưu tú đượ tham gia học lớp nhận thức về Đảng và đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, chờ kết nạp. Trong các quần chúng đó, có Giám đốc Công ty.

 

Bà Đoàn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty Sơn Luyến phấn khởi: Có tổ chức CĐ, người lao động được quan tâm, chăm lo đúng mức. Chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được đảm bảo. Nhờ đó, họ có động lực và trách nhiệm hơn trong công việc. CĐ cơ sở không chỉ bảo vệ quyền lợi cho công nhân mà còn là nền tảng thúc đẩy DN phát triển và bền vững.

 

Thành lập tổ chức CĐ ở các DN tư nhân lợi ích trông thấy là như vậy nhưng số lượng DN có CĐ trên địa bàn huyện Đồng Hỷ còn rất hạn chế. Về vấn đề này, đồng chí Ngô Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Đồng Hỷ cho biết: Những năm qua, sự suy thoái của nền kinh tế đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Bên cạnh đó, nhận thức của một số chủ DN về vai trò của tổ chức CĐ còn hạn chế. Nhiều sangười nghĩ rằng khi CĐ ra đời chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho người lao động, gây áp lực cho chủ DN… Do đó, việc thành lập tổ chức CĐ trong các DN tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn huyện còn có khoảng 30 DN đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ nhưng chỉ có 3 DN có tổ chức CĐ. Liên đoàn Lao động huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền đến các DN, người lao động. Mong rằng, những thành công của các CĐ cơ sở ở các công ty trên sẽ là nền tảng, hình mẫu để các DN tư nhân khác học tập, nhân rộng trong thời gian tới./.