Trẻ bị xâm hại: Phần nhiều do thiếu kiến thức và kỹ năng sống

08:35, 13/11/2013

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) có chiều hướng gia tăng. Tính chất của các vụ việc cũng ngày càng phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân các cháu cũng như gia đình và xã hội. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp trẻ bị xâm hại có nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý và giáo dục từ gia đình và nhà trường, nhận thức cửa trẻ còn “non nớt”, không có những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ cần thiết.

Theo thông tin từ Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh, từ năm 2012 tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin và can thiệp 18 trường hợp trẻ bị XHTD. Riêng 9 tháng năm 2013 là 7 trường hợp. Đây đều là những trường hợp được gia đình, chính quyền địa phương trực tiếp phản ảnh qua đường dây tư vấn miễn phí hoặc do đội ngũ cán bộ chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các địa phương phát hiện. Trong số những trẻ bị xâm hại, chủ yếu là các bé gái trong độ tuổi từ 12 đến 14. Cá biệt, có một trường hợp là bé trai 7 tuổi, ở xã Phú Đô (Phú Lương) bị chính chú của mình xâm hại.

 

Chị Trần Bảo Khánh, cán bộ phụ trách Phòng Can thiệp - hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh cho biết: Thực tế, số trẻ bị XHTD nhưng không được can thiệp, hỗ trợ còn cao hơn nhiều, bởi có không ít trường hợp do xấu hổ, mặc cảm hoặc muốn cho êm chuyện nên gia đình các bên đã tự thương lượng mà không nhờ đến pháp luật. Mới đây nhất là trường hợp 2 bé gái, học lớp 8, Trường THCS Tân Dương (Định Hóa), cả hai đều yêu sớm và có quan hệ tình dục với bạn trai đã qua tuổi vị thành niên. Khi bị phát hiện (tháng 7-2013), một cháu đã có thai được gần 5 tháng, cháu còn lại thậm chí có những hành động để phản đối việc ngăn cản yêu đương của bố mẹ. Để giải quyết, phía các gia đình đã tự thỏa thuận nhận bồi thường, không làm đơn tố cáo đưa ra pháp luật. Những trường hợp như trên vô tình đã làm cho tình trạng XHTD trẻ em tiếp tục phổ biến bởi những kẻ phạm tội không bị trừng phạt nghiêm minh.

 

Một thống kê đáng lưu ý, ở hầu hết các trường hợp XHTD trẻ em thì nạn nhân đều quen biết, có quan hệ yêu đương, thậm chí quan hệ huyết thống với kẻ xâm hại. Nói về nguyên nhân, chị Trần Bảo Khánh cho rằng: Hiện nay, do ảnh hưởng xấu của văn hóa phẩm, hình ảnh gợi dục được bán bày phổ biến hay trên mạng internet, cùng với lối sống buông thả khiến không ít kẻ có hành vi bột phát, giở trò đồi bại với trẻ khi có cơ hội. Trong khi đó, hầu hết các em lại thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Khi bị xâm hãi, các em thường có tâm lý sợ hãi nên không kể cho ai, chỉ đến khi có thai, gia đình mới biết thì đã rất muộn.

 

Chị Trương Minh Thu, phụ trách Phòng Truyền thông, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh cho biết: Ở hầu hết các trường học đều đã có chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng mới dừng lại ở các buổi ngoại khóa hoặc các tiết học ngoài giờ. Qua các buổi tuyên truyền về kỹ năng sống và tự bảo vệ, chúng tôi nhận thấy các em học sinh nhất là ở vùng nông thôn còn hiểu biết rất hạn chế về giới tính. Khi bàn về vấn đề này các em thường ngại nói và thể hiện quan điểm cá nhân. Ngay cả thầy cô giáo cũng ít đề cập, lồng ghép những kiến thức này vào các môn học liên quan. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tổ chức được 20 buổi truyền thông tại các Trường THCS, số lượng này còn rất khiêm tốn so với tổng số các trường trên phạm vi toàn tỉnh.

 

Khi tiếp nhận các thông tin trẻ bị XHTD, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh đều cử cán bộ xuống trực tiếp tư vấn, hỗ trợ về tâm lý cho bản thân trẻ và gia đình. Đồng thời kết nối với các cơ quan chức năng như: Sở Tư pháp, Tòa án, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các đơn vị y tế…để hỗ trợ điều trị cho trẻ và giải quyết vụ việc theo pháp luật. Những biện pháp xử lý nói trên rất cần thiết vụ việc XHTD trẻ đã xảy ra. Tuy nhiên, để phòng ngừa, can thiệp sớm nhằm từng bước hạn chế tình trạng này thì biện pháp quan trọng nhất là bản thân gia đình, nhà trường và các tổ chức liên quan cần tăng cường trách nhiệm để quản lý, trang bị cho trẻ những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ bản thân.