Bảo vệ quyền lợi cho hội viên

16:49, 18/12/2013

Hiện, toàn tỉnh có 23.660 người khuyết tật (chiếm 2,15% dân số), trong đó người khuyết tật do chiến tranh chiếm 53,9%, còn lại 46,1% khuyết tật do các nguyên nhân khác; trong tổng số trên 263 nghìn trẻ em trên địa bàn thì có 3.348 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (2.371 trẻ em khuyết tật, 598 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi)... Hầu hết người khuyết tật và số trẻ em trên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt, học tập. Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi (BTNTT&TMC) tỉnh được thành lập từ những năm 1990 đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ: Tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; đẩy mạnh trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi; đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chính sách liên quan… Hội đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm quan tâm, chăm sóc hội viên và hỗ trợ, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống. Hội đã vận động các đơn vị, cá nhân ủng hộ hàng trăm triệu đồng thăm hỏi, tặng quà người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn như: Vào dịp Tết Nguyên đán, khai giảng năm học, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật của tỉnh, với 1.158 lượt người, tổng số tiền trên 2 tỷ đồng; đã xây dựng nhà mái ấm tình thương cho 9 phụ nữ khuyết tật trị giá trên 140 triệu đồng; riêng năm 2013 đã trao tặng cho 165 người khuyết tật xe lăn, gậy tập đi trị giá gần 500 triệu đồng. Hằng năm, Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện C, Bệnh viện Tâm thần tỉnh xây dựng mô hình "Bếp ăn tình thương", mỗi tháng hỗ trợ từ 10-12 nghìn suất ăn miễn phí cho các đối tượng là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân tàn tật, bệnh nhân là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bệnh nhân nhiễm chất độc da cam, bệnh nhân cơ nhỡ, với tổng số tiền hỗ trợ trong 3 năm qua là 520 triệu đồng.

 

Trong 10 năm qua, Hội Danh nghiệp vừa và nhỏ đã hỗ trợ xây 327 nhà đại đoàn kết với số tiền từ 10-20 triệu đồng/hộ... Hội cũng đã vận động các tổ chức nước ngoài ủng hộ, giúp đỡ hội viên, như: Tổ chức VNAH tài trợ trên 700 người tàn tật hệ vận động được cấp miễn phí xe lăn, Tổ chức The Free Wheelchair Mission (Mỹ) tài trợ 210 xe lăn; Tổ chức Kimse Yok Mu (Thổ Nhĩ Kỳ) tặng quà 90 người khuyết tật và trẻ mồ côi người nghèo, trị giá 500.000đ/người; Tổ chức Helping Hands Agency (Cộng hòa Irelan) tặng học bổng cho 50 học sinh nghèo vượt khó từ năm 2006-2008, với số tiền hỗ trợ 3,6 triệu đồng/em/năm...

 

Hội cũng đã tạo điều kiện, động viên để người khuyết tật tham gia và đoạt giải cao tại các kỳ thi, hội thi văn nghệ - thể thao cho người khuyết tật trong và ngoài nước. Năm 2013, tại Giải thi thể thao học sinh người khuyết tật do tỉnh đăng cai tổ chức, Đoàn Thái Nguyên đã giành được 21 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc, 28 huy chương Đồng...

 

Đối với việc chăm sóc người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập danh sách và đề xuất để người tàn tật, trẻ mồ côi được hưởng trợ cấp hằng tháng. Hiện nay, trong tổng số 28.276 người của toàn tỉnh đang hưởng trợ cấp hằng tháng thì có 9.253 người khuyết tật, trẻ em mồ côi hưởng trợ cấp; có 6.776 người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh và 1.519 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp; 100% người tàn tật, trẻ mồ côi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế. Đồng thời, Hội đã tổ chức các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ thông qua các hội cơ sở, như: Hội Người mù tỉnh, thành lập được tổ chức Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công; Hội Người tàn tật T.P Thái Nguyên...

 

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật đã được quan tâm. Đã có 7.142 người tàn tật được chăm sóc về sức khỏe và khám, chữa bệnh miễn phí. Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tỉnh đã phối hợp thực hiện phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 4.241 người khuyết tật; trang bị dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng miễn phí cho 1.671 người. Từ năm 2006 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn đã phối hợp các địa phương tổ chức khám cho trên 4.000 lượt trẻ em khuyết tật, đã thực hiện phẫu thuật cho 306 ca; tổ chức phẫu thuật cho 566 ca trẻ khuyết tật về mắt và hệ vận động. Trong giai đoạn từ 2005-2013, toàn tỉnh đã tổ chức được 34 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.012 người khuyết tật trên địa bàn, với tổng kinh phí trên 1.651 triệu đồng. Nghề đào tạo chủ yếu là may, thêu, ren phù hợp với khả năng của người khuyết tật, sau khi kết thúc các khóa đào tạo, khoảng 40% số người khuyết tật đã có việc làm cho thu nhập ổn định.

 

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội BTNTT&TMC tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các chương trình và hoạt động bảo trợ đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, như: Dạy nghề cho 300 người khuyết tật, trẻ em mồ côi; phẫu thuật thay thể tinh thể cho ít nhất 300 người mù thuộc diện nghèo; phẫu thuật phục hồi chức năng cho ít nhất 500 người khuyết tật vận động... Đặc biệt, Hội sẽ triển khai thí điểm hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi tại một số xã đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp sổ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho người khuyết tật và trẻ em có đủ điều kiện theo quy định...