Cần nhanh chóng khắc phục thiệt hại cho người dân

08:44, 17/12/2013

Từ năm 2012, việc thi công công trình Di tích lịch sử Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tại phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đã gây ảnh hưởng đến việc canh tác của một số hộ dân ở các tổ 14, 15, phường Gia Sàng. Người dân đã lập biên bản, làm đơn kiến nghị 2 lần (tháng 5 và tháng 9-2013) gửi lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với mong muốn chủ đầu tư có biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Quy hoạch chi tiết xây dựng công trình Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010 với tổng diện tích trên 8,7ha, mức đầu tư trên 56 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng công trình văn hóa.

 

6 hộ dân bị ảnh hưởng là: Lương Hồng Bổng, Nguyễn Bá Kính, Cao Thị Phương, Cao Thị Độ (ở tổ 14), Lại Thị Thanh, Lại Thị Vinh (tổ 15). Riêng gia đình ông Nguyễn Bá Kính có diện tích ruộng trên 80m2 (ngay gần khu vực kè của công trình, gần ống cống) từ khi đơn vị thi công đến nay không canh tác được nữa. Trong số các hộ dân bị thiệt hại thì gia đình bà Cao Thị Phương và Lại Thị Thanh thiệt hại nặng nhất: Gần 780m2 ruộng cấy lúa của gia đình bà Phương và hơn 1.100m2 của gia đình bà Thanh 2 vụ qua bị mất trắng 1 vụ, 1 vụ năng suất giảm một nửa vì bị úng. Ông Lương Hồng Bổng, một hộ dân bị ảnh hưởng cho biết: Gia đình tôi có gần 3 sào ruộng thì phần lớn phải thu hồi phục vụ dự án, chỉ còn lại 218m2. Vụ mùa vừa qua, mưa nhiều làm ngập ngang thân lúa đang độ phơi màu, trỗ bông khiến hạt lép nhiều. Khi thu hoạch năng suất chỉ đạt trên 60kg/sào, giảm 40% so với mọi năm.

 

Bà Trần Thị Hải, Đội trưởng Đội sản xuất, phụ trách mảng nông nghiệp các tổ từ 14 đến 25, phường Gia Sàng cho biết: Khi xây dựng công trình, đơn vị thi công đã làm phần cống thoát nước cao hơn mặt ruộng cấy lúa, trồng màu của các hộ nói trên, gây nên tình trạng úng lụt. Sau khi người dân có ý kiến (ngày 7-9-2013 lập biên bản), đơn vị thi công mới cho đào mương rộn 0,5m để thoát nước, nhưng lúc mưa to, đất cát tràn vào làm tắc mương thì lại tiếp tục gây úng ruộng canh tác của một số hộ dân.

 

Trước sự việc trên, các hộ đã làm đơn kiến nghị 2 lần kèm biên bản có sự chứng kiến, xác nhận của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đơn vị thi công, đơn vị giám sát. Cụ thể, biên bản ghi nhận hiện trạng công trường ngày 7-9-2013 nêu: Sở VHTT&DL đã nhận được đơn đề nghị của các hộ dân liên quan đề nghị về việc thi công công trình Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, hạng mục san nền, kè đá. Trong thời gian thi công, do không có mương thoát nước nên gặp trời mưa nước và đất cát chảy xuống ruộng đang canh tác làm ảnh hưởng đến sản xuất. Đề nghị chủ đầu tư kiểm tra và xem xét lại phần thiết kế để đơn vị khắc phục.

 

Về vấn đề này, bà Phạm Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Sàng cho hay: Phường đã nhận được đơn kiến nghị của người dân ở tổ 14, 15 bị ảnh hưởng do thi công công trình Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, gửi cả biên bản làm việc cho Sở VHTT&DL. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Sở vẫn chưa giải quyết khiến người dân tiếp tục có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

 

Chúng tôi đã gặp ông Lưu Công Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này. Ông Sơn cho biết: Sở đã nhận được biên bản và kiến nghị của người dân về việc thi công hạng mục san nền của công trình nói trên làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Ông Sơn cũng lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đầu năm 2012, UBND tỉnh mới phê duyệt công trình và giải phóng mặt bằng để thi công cho kịp Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày hy sinh của các TNXP Đại đội 915. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử rất lớn của tỉnh, nhưng do quá trình thi công nhanh nên còn một số tồn tại, hạn chế, đồng thời nguyên nhân khách quan là vì thi công vào mùa mưa nên đất đỏ đã trôi xuống ruộng gây xói mòn và ngập úng, làm mất mùa của người dân. Ông Sơn cũng kiên quyết: Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ họp bàn với đơn vị thi công cũng như tiến hành khảo sát thực tế tại công trình này. Việc bồi thường thiệt hại (bằng tiền mặt) cho người dân có lúa và hoa màu bị ảnh hưởng sẽ được thực hiện trong năm 2013. Đồng thời, đơn vị chức năng sẽ khắc phục hệ thống mương thoát nước để sản xuất của người dân không bị đình trệ.