Đầu mối giải quyết các khó khăn về vốn

17:12, 03/12/2013

Trong 3 ngày (từ 28 đến 30-11), Quỹ Phát triển đất của tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Quỹ làm Trưởng đoàn cùng các thành viên và các ngành liên quan đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động của Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng (ĐT, PTĐ, BLTD) tỉnh Hà Giang. Đồng thời đi thăm một số dự án Quỹ ĐT, PTĐ, BLTD Hà Giang đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả. Chúng tôi xin giới thiệu cách làm ở Hà Giang qua bài viết này. 

Tiết kiệm từ mô hình hợp nhất 3 Quỹ

 

Quỹ ĐT, PTĐ, BLTD Hà Giang được thành lập cuối năm 2010, trên cơ sở kiện toàn tổ chức, bộ máy của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Phát triển đất. Theo các quyết định, nghị định của Chính phủ, Quỹ có nhiệm vụ: Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiếp nhận, quản lý các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chương trình, dự án tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư; hỗ trợ và BLTD cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện quản lý vốn, sử dụng vốn của Quỹ theo quy định; quản lý phần vốn Nhà nước tại các công ty Nhà nước trực thuộc tỉnh; thực hiện các hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư phát triển tạo quỹ đất, xây dựng nhà ở, phát triển khu dân cư, khu đô thị, các dự án bảo vệ, cải tạo môi trường và các dự án quan trọng khác do UBND tỉnh quyết định.

 

Với mô hình hợp nhất 3 Quỹ trên đã góp phần giảm thiểu đầu mối quản lý, tiết kiệm vốn, tài sản, nguồn lực tài chính và con người (hiện tại Quỹ có 18 người, trong đó có 1 giám đốc là Phó Giám đốc Sở Tài chính; 1 phó giám đốc chuyên trách với 4 phòng chức năng). Với cách làm trên, tỉnh không phải tăng thêm biên chế sự nghiệp. Về hoạt động, mặc dù nguồn quỹ không nhiều: Vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, song vốn thực tế đến 30-9-2013 mới đạt trên 75 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách cấp 69 tỷ 661 triệu đồng, (có 30% số thu tiền sử dụng đất của ngân sách địa phương hàng năm được cấp dùng làm vốn phát triển quỹ đất; riêng thu tiền sử dụng đất năm 2012 mới đạt 20 tỷ đồng, nhưng tỉnh đã tạo điều kiện bố trí lượng vốn tối thiểu cho Quỹ hoạt động); vốn bổ sung từ kết quả hoạt động 2 tỷ 691 triệu đồng; vốn do các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp 2 tỷ 806 triệu đồng.

 

Hiệu quả từ hoạt động đầu tư

 

Sau hơn 5 năm hoạt động (từ tháng 5-2008 đến tháng 9-2013), Quỹ ĐT,PTĐ,BLTD Hà Giang đã cấp bảo lãnh cho 349 lượt hồ sơ với tổng số tiền bảo lãnh 235 tỷ 438 triệu đồng cho các đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn với các hình thức bảo lãnh vay vốn, dự thầu và thực hiện hợp đồng. Dư nợ bảo lãnh đến 30-9 trên 46,8 tỷ đồng. Giải quyết cho vay đầu tư với lãi suất ưu đãi (hiện tại là 12%/năm) cho 42 lượt dự án với doanh số cho vay đạt 68,45 tỷ đồng (tính từ năm 2011 đến nay). Riêng Quỹ phát triển đất được triển khai từ năm 2011 đến hết tháng 11-2013 đã giải quyết ứng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho 20 lượt dự án với doanh số ứng vốn 34 tỷ đồng, dự nợ hiện còn trên 13,57 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, Quỹ còn được UBND tỉnh ủy thác cho vay bình ổn giá đối với mặt hàng chính sách xã hội  7,31 tỷ đồng để cho các công ty công ích của tỉnh vay với lãi suất bằng 0% để dự trữ, bình ổn giá các mặt hàng chính sách. Nguồn vốn trên tuy chưa nhiều, song đã góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho các công trình, dự án của tỉnh cũng như các doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, Chính phủ thắt chặt chi tiêu, hoạt động tín dụng ngân hàng chặt chẽ…

 

Chính vì thế, một số dự án trọng điểm của tỉnh đã được đẩy nhanh tiến độ, trong đó phải kể đến khu công nghiệp Bình Vàng (huyện Vị Xuyên) - một trong những dự án trọng điểm của tỉnh với tổng diện tích quy hoạch trên 200ha. Để có đất sạch cho các doanh nghiệp vào xây dựng nhà máy, Quỹ đã ứng cho Ban Quản lý khu công nghiệp gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ phát triển đất với lãi suất bằng 0% và BLTD cho 15 tỷ đồng (lãi suất 12%/năm) để kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 44 hộ dân góp phần thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án đúng tiến độ.

 

Ngoài ra, Quỹ còn cho các doanh nghiệp đang thi công các công trình hạ tầng trong khu công nghiệp vay 6 tỷ đồng (theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh) để các doanh nghiệp có tiền trả cho công nhân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Hiện Khu công nghiệp đã thu hút 9 nhà đầu tư đến thuê đất, trong đó có 4 dự án đang hoạt động có hiệu quả. Hoặc Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy có diện tích quy hoạch trên 6ha, do Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu làm chủ đầu tư đã được Quỹ ứng vốn 2,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch. Từ một dự án triển khai nhiều năm chậm tiến độ, đến nay, nhờ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nên Khu kinh tế này đã có ¼ diện tích đất được đấu giá…

 

 

 Bài học kinh nghiệm

 

Bà Lê Thị Xiết, Giám đốc Quỹ ĐT,PTĐ,BLTD tỉnh Hà Giang: Để đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội như trên, điều quan trọng là Quỹ phải được sự ủng hộ tích cực của các ngành có các nguồn quỹ; sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh (gồm cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh) trong việc hợp nhất các quỹ trên. Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng. Về phía Quỹ, đội ngũ cán bộ phải thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất cao, năng động, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ  được giao; bảo toàn và phát triển số vốn hiện có. Những kết quả mà Quỹ ĐT,PTĐ, BLTD Hà Giang làm được trong những năm qua đã minh chứng: Quỹ là tổ chức tài chính hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ là công cụ để tỉnh huy động các nguồn lực tài chính đầu tư vào các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đầu mối giải quyết những khó khăn về vốn, năng lực tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các đối tượng sản xuất, kinh doanh.