Để những người hoạt động không chuyên trách yên tâm công tác

15:15, 13/12/2013

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 2.050 người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã, phường, thị trấn và 8.140 người HĐKCT ở xóm, tổ dân phố. Đây là đội ngũ có những đóng góp không nhỏ trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương. Họ là trợ thủ đắc lực giúp cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể giải quyết công việc ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này vẫn chưa tương xứng với mức độ công việc và đóng góp của họ…

Theo Nghị định 92/NĐ-CP, ngày 28-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và những người HĐKCT ở cấp xã thì những người HĐKCT ở cấp xã bao gồm các chức danh: Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và phó các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi, chủ nhiệm nhà văn hóa, văn phòng đảng ủy. Nghị định 92 cũng quy định người HĐKCT ở xóm, tổ dân phố là: Trưởng xóm, (hoặc Tổ trưởng dân phố) Bí thư chi bộ, Công an viên…

 

Là lực lượng gần sát với dân có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân trong cộng đồng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động ở địa bàn khu dân cư nhưng theo quy định hiện hành thì người HĐKCT chỉ được hưởng mức phụ cấp rất thấp. Cụ thể: đối với người HĐKCT ở cấp xã, phường được hưởng mức phụ cấp bằng 0,7-1,0 mức lương cơ sở; những người HĐKCT ở xóm, tổ dân phố thì được hưởng mức phụ cấp bằng 0,3-0,5 mức lương cơ sở. Với mức phụ cấp như vậy thật khó để đội ngũ này có thể yên tâm công tác.

 

Gắn bó với công tác Hội Nông dân hơn 10 năm nay và có không ít đóng góp cho hoạt động hội tại địa phương nhưng hiện nay ông Dương Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Đình (Phú Bình) chỉ nhận được mức phụ cấp 950 nghìn đồng/tháng (tương đương hệ số bằng 0,8 mức lương cơ sở). Ông Thịnh tâm sự: “Tôi công tác ở vị trí này đến nay đã được hơn 3 nhiệm kỳ, từ hồi phụ cấp chỉ có 120 nghìn đồng/tháng, nay dù phụ cấp đã tăng nhiều lần xong cũng chưa được nổi 1 triệu đồng. Tiền phụ cấp chỉ đủ tiền xăng xe và tiền điện thoại nhưng vì sự nhiệt tình với phong trào địa phương nên tôi vẫn tiếp tục công tác…”.

 

Cùng chung tâm tư với ông Thịnh, anh Trương Đức Mạnh, Phó Bí thư Đoàn phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên cho biết: Công việc của tôi không khác gì những cán bộ công chức  khác ở ủy ban: 8giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Ngoài thời gian làm việc tại trụ sở, tôi còn thường xuyên phải đi xuống các tổ dân phố để dự sinh hoạt cùng với đoàn viên, thanh niên và tham gia các hoạt động của địa phương… Công việc khá vất vả nhưng mỗi tháng tôi chỉ được hưởng trợ cấp hệ số 0,9 (tương đương 950 nghìn đồng) dù tôi có bằng tốt nghiệp đại học Luật. Với mức phụ cấp như vậy, hằng tháng tôi vẫn phải xin thêm tiền gia đình để phục vụ cho công việc của mình. Phụ cấp thấp là một lẽ nhưng điều khiến tôi băn khoăn nhất là những cán bộ không chuyên trách như tôi không được đóng bảo hiểm. Điều này có nghĩa là sau khi nghỉ việc chúng tôi chẳng được hưởng chế độ gì.

 

Đánh giá về vai trò của đội ngũ những người HĐKCT ở cơ sở, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình (Phú Bình) cho biết: Đội ngũ cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động ở địa phương. Họ như những cánh tay nối dài của chính quyền trong việc tiếp nhận các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, triển khai trực tiếp tới nhân dân. Tuy nhiên, chế độ chính sách đãi ngộ như hiện nay là chưa công bằng với sự cống hiến của họ trong công việc. Vì vậy, nhiều cán bộ dù rất đam mê công việc nhưng vì gánh nặng cơm áo, gia đình nên đành tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, chế độ đãi ngộ như hiện nay cũng không khuyến khích được những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường về công tác tại địa phương, đặc biệt là những sinh viên có trình độ và năng lực thực sự. Điều này đã dẫn đến tình trạng “già hóa” cán bộ xã, phường và thị trấn ở một số địa phương. Trước những bất cập nêu trên, chúng tôi mong muốn các cấp hãy quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại cơ sở.

 

Cùng quan điểm như trên, ông Tô Sỹ Hạ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên kiến nghị: Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét và ban hành chính sách thực sự phù hợp nhằm đảm bảo được cuộc sống của người HĐKCT vì những người này làm việc cũng như cán bộ, công chức, nhưng lại không được hưởng chế độ theo bằng cấp chuyên môn nên rất thiệt thòi. Ngoài ra, cũng cần xem xét việc đóng bảo hiểm xã hội cho những người làm việc không chuyên trách ở xã, phường để họ yên tâm công tác.