Điểm tựa cho người khuyết tật

09:36, 03/12/2013

Sức khỏe yếu, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, song nhiều người khuyết tật ở T.X Sông Công đã cố gắng vượt qua chính mình để vươn lên, khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội. Từ khi Hội Người Khuyết tật T.X Sông Công được thành lập đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự gắn kết giữa những người khuyết tật; góp phần hỗ trợ, động viên hội viên phát triển kinh tế gia đình.

Hội Người Khuyết tật T.X Sông Công được thành lập giữa năm 2012, là một tổ chức tự nguyện của người khuyết tật, đa phần hội viên có đời sống kinh tế khó khăn, đến nay, Hội đã thu hút 100 hội viên sinh hoạt thường xuyên, tập trung chủ yếu ở 10 phường, xã trên địa bàn.

 

Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, ngoài 40 nghìn đồng hội phí/hội viên/năm, Hội đã vận động các thành viên đóng góp thêm vào nguồn quỹ được hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ này, Hội đã tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế. Số tiền cho vay tuy không nhiều nhưng đã động viên tinh thần, giúp người khuyết tật vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. Từ sự quan tâm, khích lệ ấy của Hội, hội viên Phạm Minh Hùng và Nguyễn Thị Yên và anh Nguyễn Văn Thu cùng nhau đứng ra thành lập Xưởng tái chế phôi để sản xuất bao bì trên diện tích gần 3ha, tại phường Lương Châu. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu đồng, ngoài số tiền vay mượn từ người thân, Hội cho vay 15 triệu đồng, các hội viên đã đầu tư xây dựng được một xưởng sản xuất, mua một máy giặt bao bì và một máy ép phôi nhựa (công suất từ 4-8 tạ phôi/ngày). Xưởng mới đi vào hoạt động khoảng một tháng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 người khuyết tật, tiền công trung bình đạt từ 120-140 nghìn đồng/ngày. Chị Nguyễn Thị Yên chia sẻ: Nhờ có số vốn của Hội cho vay mà chúng tôi có thêm kinh phí đầu tư mua sắm máy móc...

 

Ngoài cơ sở kinh doanh trên, ở T.X Sông Công còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh do người khuyết tật đứng ra làm chủ. Đó là Công ty cổ phần Máy tính Company của anh Nguyễn Thế Hùng ở phường Cải Đan, tạo việc làm cho 4 lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn dạy nghề cho 4 người, hiện nay đã mở được cửa hàng riêng, trong đó có cả người khuyết tật. Còn cửa hàng Internet của anh Dương Đức Thủy ở phường Bách Quang, cũng hoạt động khá hiệu quả mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Với anh Lý Văn Hải ở xã Bình Sơn lại chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng việc nấu rượu, chăn nuôi lợn thịt. Hội đã cho anh vay 3 triệu đồng không tính lãi. Anh Hải cho biết: Tôi và gia đình luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các anh, chị trong Ban Chấp hành Hội cũng như các hội viên. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, gia đình tôi đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi lợn. Công việc chăn nuôi hiệu quả đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định nuôi 2 con nhỏ ăn học. Hiện nay, gia đình tôi đã xây được nhà chắc chắn để ở.

 

Để có được những thành công đó, ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự hỗ trợ không nhỏ của tổ chức Hội. Không chỉ giúp đỡ các hội viên về vốn vay, động viên tinh thần, Hội Người Khuyết tật T.X Sông Công còn thành lập các Câu lạc bộ: Phụ nữ, Thanh niên, Thể thao… tạo điều kiện cho các hội viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nhằm động viên các hội viên có thêm nghị lực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên thăm hỏi hội viên khi ốm đau, động viên, hỗ trợ gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn và khen thưởng con em hội viên có thành tích cao trong học tập… Đặc biệt đầu năm 2013, Hội đã trao 4 chiếc xe lăn và 1 chiếc xe lắc cho một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn, không đi lại được. Ngoài ra, để hội viên có cơ hội tìm kiếm việc làm, Hội cũng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thị xã, Trung tâm Dạy nghề các khu công nghiệp tỉnh mở các lớp dạy nghề thủ công mây, tre đan, nghề may công nghiệp cho hội viên. Sau  lớp học, đã có một số hội viên làm ra sản phẩm bán trên thị trường.

 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn  bởi nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhiều người khó tìm được việc làm... Anh Dương Văn Bình, Chủ tịch Hội chia sẻ: Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Đồng thời, Hội sẽ quan tâm tạo nguồn vốn, hỗ trợ hội viên hơn nữa; tổ chức các lớp học văn hóa, lớp dạy nghề cho người khuyết tật để giúp họ tìm được một công việc phù hợp, có thu nhập ổn định.