Già hoá dân số - thách thức trong chăm sóc người cao tuổi

08:20, 26/12/2013

Tình trạng già hoá dân số đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần phải giải quyết. Số lượng người già ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang ngày một gia tăng khiến xã hội phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Già hóa dân số

 

Theo thống kê, năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 0,7% tổng dân số, sớm hơn 6 năm so với dự báo. Điều đó làm cho tốc độ già hoá dân số của nước ta nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2012, cứ 11 người dân mới có 1 người cao tuổi (tỷ lệ 11/1) thì theo dự báo đến năm 2029, tỷ lệ này là 6/1 và năm 2049 là 4/1

 

Tại Thái Nguyên, theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, chỉ số già hóa (tỷ số giữa những người từ 65 tuổi trở lên so với nhóm người từ 0 đến 15 tuổi ) của tỉnh sau 10 năm tăng nhanh, từ 14,3% (1-4-1999) tăng lên 25,6% (01-4-2009). Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động cho thấy, Thái Nguyên cùng với cả nước đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên tăng 1,5 lần so với cách đây 10 năm, cho thấy kết quả tích cực của công tác y tế, an sinh xã hội... đã giúp cho tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên. Hiện nay số người trên 60 tuổi của tỉnh Thái Nguyên có trên 126 nghìn người, chiếm 10% dân số của tỉnh, trong đó độ tuổi 60 đến 69 là trên 74 nghìn người, chiếm 57,4% tổng số người cao tuổi; độ tuổi 70 đến 79 là trên 32 nghìn người, chiếm 25,7% tổng số người cao tuổi. Ngoài ra, trong tổng số người cao tuổi hiện nay có tới gần 87 nghìn người sống ở nông thôn, chiếm gần 70%; có gần 1,3 nghìn người cao tuổi sống trong nhà tạm…

 

Người cao tuổi được quan tâm

 

Tháng 9-2013, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã thành lập Khoa Lão khoa với 32 giường bệnh có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người cao tuổi. Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, Khoa điều trị nội trú từ 30 đến 40 bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho rằng: Thực tế hiện nay, số người cao tuổi ngày càng tăng, tuổi thọ tăng và đương nhiên là bệnh tật theo lứa tuổi cũng tăng. Việc chăm sóc sức khỏe cho người già đang là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay và những năm sắp tới. Hơn nữa, người già trên địa bàn tỉnh thường mắc đa bệnh lý và bị mãn tính, chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, người già cần được điều trị riêng bởi nếu xếp chung tại các khoa khác thì tính chất chuyên khoa Lão khoa không được đề cao, điều trị không thật sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, với chủ trương phục vụ, chăm sóc ngày càng tốt hơn cho người cao tuổi, Bệnh viện đã thành lập khoa Lão Khoa trên cơ sở khoa Nội IV trước đây.

 

Được biết, đây chỉ là một trong những hoạt động mới nhất hướng về người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm của các ngành, các tổ chức xã hội đối với người cao tuổi. Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2013 của Hội Người cao tuổi tỉnh: 9/9 huyện, thành phố, thị xã có Ban đại diện Hội Người cao tuổi; cấp xã có 181 cơ sở Hội/181 xã, phường, thị trấn với gần 3 nghìn chi hội, trên 2,4 nghìn tổ hội, 733 câu lạc bộ với trên 20 nghìn thành viên tham gia… Báo cáo cũng cho thấy người cao tuổi của tỉnh đã được quan tâm, chăm sóc về tinh thần, sức khỏe đồng thời cũng đã phát huy vai trò của người cao tuổi trong sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng và giữ gìn nếp sống gia đình, cộng đồng văn hóa.

 

Vẫn còn thách thức

 

Mặc dù Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động về chăm sóc người cao tuổi và kết quả đạt được như trên, nhưng theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thì với thực trạng số người cao tuổi tăng nhanh, phân bố không đồng đều, tập trung tại khu vực nông thôn (chiếm gần 70%); số người được hưởng bảo trợ xã hội chỉ có 13%; số người cao tuổi được cấp thẻ BHYT chỉ có 23% trong khi đó người cao tuổi là nhóm đối tượng có nhu cầu khám và điều trị bệnh lớn do vậy cần có cơ chế, chính sách riêng dành cho nhóm đối tượng này.

 

Hiện nay vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng người cao tuổi phải tự bỏ tiền để được khám chữa bệnh là phổ biến. Chế độ khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và thẻ khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Vẫn còn nhiều nhóm đối tượng người cao tuổi chưa tiếp cận đến được với thẻ BHYT nên vấn đề chăm sóc người cao tuổi cần phải tìm được mô hình phù hợp với từng địa phương để chăm sóc người cao tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chất lượng dân số.

 

Bà Thủy cũng cho rằng: Xu hướng già hoá dân số mang tính tất yếu. Số người cao tuổi tăng buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Trong đó nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm nên người cao tuổi gặp không ít bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm và mãn tính. Nhằm chuẩn bị ứng phó với tình trạng trên, những vấn đề như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi hoặc xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cần được đặc biệt quan tâm. Để thích ứng với một xã hội đang già hóa dân số, tỉnh ta cần xây dựng chính sách nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi; có chính sách cho những nhóm đặc thù như: phụ nữ cao tuổi, phụ nữ cô đơn và ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xây dựng chính sách xã hội hoá công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội; có chính sách thích hợp để phát huy bản sắc và chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi theo các nhóm tuổi phù hợp…