Hội thẩm nhân dân là chức danh tư pháp được pháp luật quy định, do đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, có vai trò quan trọng trong quá trình xét xử của Tòa án. 3 năm nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh (2011-2016) đã trôi qua, nhìn lại công tác hội thẩm, vẫn còn đó nhiều trăn trở.
Những cố gắng của hội thẩm nhân dân
Theo quy định của pháp luật, hội thẩm nhân dân (HT) tham gia xét xử ở tất cả các phiên tòa. Họ đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Họ có quyền ngang thẩm phán.Hiện nay, ngành Tòa án (TA) tỉnh có 10 đoàn HT với 230 vị, đã tham gia xét xử 3.548 vụ án, phần lớn là án hình sự (2.635 vụ).
HT là những người có trình độ chuyên môn cao: hơn 72% có trình độ đại học trở lên. Họ cũng có phẩm chất đạo đức tốt. Bằng chứng là 3 năm qua không ai vi phạm pháp luật, là những cán bộ tốt ở cơ quan, đơn vị và công dân tốt ở địa phương. Họ được ngành Tòa án đánh giá là độc lập, sáng tạo cùng hội đồng xét xử ban hành những bản án, quyết định đúng pháp luật. Bằng sự hiểu biết của mình, các HT còn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật ở nơi cư trú và nơi công tác.
Đảm nhiệm nhiều công việc chuyên môn, nhưng 100% HT đã tham gia nghiên cứu hồ sơ và xét xử, không có phiên tòa nào phải hoãn do không có HT. Nhiều vị HT có số buổi xét xử trên mức bình quân chung. Như các ông: Đinh Thanh Hải: 45 buổi/năm, ông Vi Tuấn Dũng: 44 buổi, bà Vũ Ngọc Lan: 32 buổi (Đoàn HT Tòa án Nhân dân tỉnh). Cá biệt như ông Đỗ Phượng, Trưởng đoàn HT Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên tham gia xét xử 80 buổi/năm.
Một trong những HT tiêu biểu là bà Vũ Thị Thu Hường, Đoàn HT huyện Đồng Hỷ. Bà cho biết: Năm 2011, tôi được đại diện cho Hội Nông dân huyện tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân huyện Đồng Hỷ tại phiên tòa. Từ tháng 9-2011, tôi chuyển sang làm Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy. 3 năm qua, tôi đã tham gia 31 buổi xét xử, 50% là án dân sự. Công việc chuyên môn nhiều, lại không có kiến thức sâu về pháp lý, tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án. Tôi thường làm theo các bước: Ghi chép phân loại nội dung đã rõ, nội dung chưa được làm rõ hoặc không thể có căn cứ chứng minh; trao đổi trực tiếp với người tham gia hoàn thiện hồ sơ để làm rõ băn khoăn của mình…
Thời gian cho công việc hội thẩm còn ít
Rất nhiều vị HT cũng bận bịu công việc như bà Hường nhưng lại chưa thu xếp và có phương pháp làm việc tốt như bà Hường. Đây là hạn chế được nói đến hầu hết các đoàn HT. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh án TA T.P Thái Nguyên cho biết: Nhiều HT đã nghiên cứu hồ sơ và nhận được lịch xét xử, nhưng sắp đến ngày xét xử lại bận, báo không tham gia phiên tòa, dẫn đến việc Tòa bị động trong sắp xếp HT khác. Cùng chung nhận xét này, ông Hoàng Văn Kiểm, Phó Chánh án TA nhân dân huyện Định Hóa nói: Đoàn HT đa số là cán bộ, công chức đương nhiệm, công việc ở cơ quan quá bận nên phân công HT phải thay đổi nhiều.
Cũng vì tham gia xét xử chỉ là kiêm nhiệm nên nhiều HT không dành được thời gian thỏa đáng để nghiên cứu hồ sơ, từ đó ảnh hưởng phần nào đến chất lượng xét xử. Lãnh đạo TA huyện Đại Từ cho biết: Một số vị HT nghiên cứu hồ sơ còn sơ sài, chưa chủ động thẩm vấn xét hỏi tại phiên tòa, việc xét hỏi chủ yếu do thẩm phán chủ tọa thực hiện. Chánh án TA huyện Võ Nhai Mông Quang Chiến thẳng thắn: Từ đầu nhiệm kỳ, các HT tham gia xét xử 178 vụ, trong đó án dân sự 32 vụ, bị sửa, hủy 12 vụ; án hôn nhân gia đình 36 vụ, bị sửa, hủy 9 vụ; án hình sự 110 vụ, bị sửa 8 vụ. Tỷ lệ án sửa và hủy như vậy là cao. Trách nhiệm chính thuộc về TP nhưng một phần do HT thiếu kinh nghiệm giải quyết án, cập nhật văn bản chậm, đánh giá chứng cứ đôi lúc thiếu toàn diện.
Khi nghiên cứu số liệu của các TA, người viết bài này còn nhận thấy số lượng HT ở các địa phương hiện nay đang mất cân đối với thực tế. Ví dụ: TA tỉnh hiện có 14 thẩm phán (trong đó 4 thẩm phán là lãnh đạo, ít tham gia xét xử), lại có đến 33 HT, tỷ lệ hơn 3 HT/1 thẩm phán, số vụ xét xử sơ thẩm khoảng 50 vụ/năm. Trong khi đó TA thành phố có 37 HT, 20 thẩm phán (tỉ lệ 1,85 HT/1 thẩm phán), xét xử bình quân 443 vụ/năm. Tương tự TA Đại Từ có 25 HT, xét xử hơn 100 vụ/năm; TA Định Hóa có 17 HT, xét xử hơn 60 vụ/năm… Nên chăng cần rà soát hàng năm để bổ sung hoặc miễn nhiệm HT cho phù hợp, tránh để tình trạng nơi nhiều việc thì ít người, nơi ít việc lại nhiều người.
Những biện pháp tháo gỡ trước mắt
Một trong những đề xuất đáng chú ý của các TA và các đoàn HT là tăng cường lực lượng người nghỉ hưu có sức khỏe, trình độ vào đoàn HT. Họ sẽ có điều kiện để toàn tâm toàn ý hơn cho việc nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử.
Là người phụ trách khối Nội chính, ông Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng bên cạnh việc các HT tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xét xử bản lĩnh, thì ngành TA cũng cần tăng cường quản lý, quan tâm đến các đoàn, vị HT về thời gian nghiên cứu hồ sơ; gắn kết với lãnh đạo những cơ quan có HT để HT được tạo điều kiện làm việc tốt hơn.
Ông Vũ Hồng Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lại nêu ý kiến: Trong xu thế cải cách tư pháp hiện nay, sẽ có chế tài đối với HT, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm HT. Ông khẳng định: Thường trực HĐND sẽ quan tâm hơn về vật chất, khen thưởng, sơ tổng kết hằng năm đối với công tác HT.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn lời ông Hà Minh Tiến, Trưởng đoàn HT tỉnh: HT có sứ mệnh rất quan trọng, rất cao cả. Để gánh vác được sứ mệnh ấy, HT cần có cả tâm và cả tầm. HT không thể tự mình làm tròn trách nhiệm nếu không có sự quan tâm về chế độ đãi ngộ cũng như điều kiện làm việc. Đó là điều chắc chắn...