Không dừng tuyến tàu khách Long Biên - Quan Triều

09:37, 11/12/2013

Đây là chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng. Ngoài việc không ngừng chạy tuyến tàu này, Bộ trưởng yêu cầu duy trì 4 đôi tàu địa phương khác để đảm bảo việc đi, lại cho người dân, đặc biệt là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao Thông - Vận tải: Tôi rất đồng tình với quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng bởi trên thực tế, các tuyến tàu địa phương nêu trên ngoài tính chất kinh doanh còn mang ý nghĩa phục vụ an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng rất lớn. Riêng với tỉnh Thái Nguyên, ngay khi nhận được thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ngừng chạy tuyến tàu Long Biên - Quan Triều, cũng có văn bản yêu cầu tiếp tục duy trì tuyến tàu này.

 

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo về tình hình chạy tàu trên 5 tuyến địa phương này và các giải pháp mà Tổng công ty đã thực hiện để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách; phương án hoạt động kinh doanh đối với các đôi tàu hoạt động kém hiệu quả.

 

Nhận được thông tin này, rất nhiều người dân Thái Nguyên đã bày tỏ sự vui mừng. Chị Lê Thị Hoa, một người dân ở tổ 5, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi bị say xe ô tô nên cứ mỗi lần có việc về Hà Nội là tôi lại đi tàu. Khi nghe thông tin dự kiến sẽ ngừng chạy tuyến tàu khách này, tôi không khỏi lo lắng. Giờ có thông tin tuyến tàu tiếp tục duy trì hoạt động, tôi thấy rất phấn khởi.

 

Còn chị Phùng Thị Ngà, một người dân ở xóm An Bình, xã Đồng Tiến (Phổ Yên), chuyên mang các loại rau, củ, quả ở chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) về chợ Long Biên giao buôn thì chia sẻ: Giá cước vận chuyển hàng hóa của tàu khách rẻ hơn so với xe ô tô khách từ 2-3 lần. Vì vậy, khi nghe mọi người nói tuyến tàu này sắp ngừng hoạt động, tôi cũng rất lo. Nếu phải vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô khách, giá cước tăng gấp đôi, gấp ba, người dân buôn bán chúng tôi chẳng còn lời lãi được bao nhiêu.

 

Còn em Nguyễn Thanh Tân, quê ở Hải Phòng, hiện là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho hay: Bọn em là sinh viên, phải sống phụ thuộc vào tiền chu cấp của gia đình. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí đi lại, em thường đi tàu từ ga Thái Nguyên về Long Biên (Hà Nội), sau đó mua vé tàu về Hải Phòng. Cũng may, tuyến tàu này không ngừng hoạt động, nếu không, em sẽ ít có điều kiện về thăm gia đình.

 

Không chỉ có các đối tượng học sinh, viên viên, người dân buôn bán nhỏ mà cả những người là công nhân, người cao tuổi… ở Thái Nguyên đều cảm thấy rất vui khi biết tuyến tàu này vẫn tiếp tục được duy trì. Được biết, đôi tàu khách này là một trong 5 đôi tàu địa phương gồm các tuyến Vinh - Đồng Hới (VĐ 31/32), Đồng Hới - Huế (ĐH 41/42), Gia Lâm - Đồng Đăng (ĐĐ 3/4), Yên Viên - Hạ Long (R 157/158) và Long Biên - Quan Triều (91/92) kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến thua lỗ đến 90 tỷ đồng/năm. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do các tuyến tàu này chủ yếu phục vụ người nghèo, nên giá vé rẻ. Ngoài ra, do các tuyến này đều có cự ly ngắn, nên lượng khách không nhiều vì phải cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

 

Trước đó, khi nắm được thông tin Tổng Cục đường sắt Việt Nam sẽ dừng tuyến tàu này, chúng tôi đã nhận được khá nhiều phản ứng của người dân Thái Nguyên. Tuyến tàu này đã đi vào hoạt động 54 năm nay, ngoài việc vận chuyển hành khách chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động nghèo…, thì hình ảnh con tàu, sân ga, tiếng còi tàu hú vang… như một nét văn hóa đẹp của người dân đất thép. Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, tuyến tàu này vẫn khá đông hành khách và so với 4 tuyến tàu địa phương khác được đề nghị ngừng chạy trong đợt này thì tuyến Long Biên - Quan Triều không phải là tuyến có doanh thu thua lỗ nhiều nhất. Vào các dịp cao điểm như những ngày nghỉ lễ, Tết, lượng hành khách đi tàu tăng cao. Do vậy, việc yêu cầu duy trì hoạt động của tuyến tàu này là một quyết định đúng đắn của Bộ Giao thông - Vận tải đáp ứng được mong muốn chính đáng của người dân.