“Làm cán bộ là để phục vụ bà con”

15:12, 02/12/2013

“Mình làm cán bộ là để phục vụ bà con và cũng là thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao” – anh Hoàng Văn Tài (dân tộc Mông) sinh năm 1974, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) mộc mạc chia sẻ. Hết mình vì việc chung lại chịu khó và năng động trong phát triển kinh tế nên anh luôn được mọi người quý trọng.  

Xóm Mỏ Chì có 112 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông (đến đây định cư từ những năm 90 của thế kỷ trước) và hiện còn tới 111 hộ nghèo. Là cán bộ, lại sâu sát với thực tế nên anh Hoàng Văn Tài hiểu tường tận nguyên nhân cái nghèo của dân bản mình và đó cũng là điều làm anh trăn trở nhất. Theo anh thì bà con chưa thể thoát nghèo vì thiếu đất sản xuất, cả xóm chỉ có hơn 7ha ruộng và khoảng 20ha đất trồng ngô. Đất vốn ít lại không thể sinh sôi, trong khi bà con thường sinh đẻ nhiều, thêm nữa là thiếu vốn và thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên cái nghèo cứ “đeo bám” dai dẳng.

 

Trên cương vị cán bộ, người có uy tín trong cộng đồng (với các chức danh: Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ và đại biểu HĐND xã liên tục hơn 10 năm qua), anh đã không quản ngại đến từng nhà để phân tích, vận động bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Cùng với sự tích cực, kiên trì, anh cũng gương mẫu thực hiện trước tiên, chỉ đẻ 2 con và cho các con học hết THPT (những người cùng trang lứa với anh thường sinh từ từ 5 đến 7 con). “Mưa dầm thấm lâu”, dần dà bà con trong xóm cũng hiểu và tự giác thực hiện, vài năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên đã gần như không còn, hầu hết chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

 

Với suy nghĩ, đất ít thì phải thâm canh tăng vụ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên gia đình anh là hộ đầu tiên trong xóm cấy 2 vụ lúa và trồng 2 vụ ngô/năm (lúc đó bà con chỉ trồng 1 vụ/năm) với các giống mới có năng suất cao, sắm máy cày để phục vụ sản xuất. Thêm vào đó, gia đình anh còn tích cực chăn nuôi (thường có 2 con trâu, từ 3 đến 5 con lợn và hàng chục con gà), cải tạo đất để trồng chuối tây, hoặc nhận cấy thêm ruộng của các gia đình khác để tăng nguồn thu. Vì vậy mà dù chỉ có 4 sào ruộng cộng với chưa đầy 1 mẫu đất trồng ngô nhưng gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá nhất và thoát nghèo đầu tiên ở xóm. Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, anh Hoàng Văn Tài còn tích cực khuyến khích, động viên bà con trong xóm trồng và chăn nuôi những giống cây, con mới, mạnh dạn vay vốn ngân hàng và tìm hướng phát triển kinh tế. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng xóm đã không còn hộ đói, mọi người đều chăm chỉ làm ăn để phấn đấu thoát nghèo. Anh Tài cho biết: Cả xóm hiện có 110 con trâu, 105 con bò, 81 con lợn và gần 3.000 con gia cầm, 13 chiếc máy cày, hơn 70 hộ đang vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 1,3 tỷ đồng… Rồi đây, chuyện thoát nghèo của bà con sẽ không phải là viễn cảnh.

 

 

Xóm Mỏ Chì chia làm 3 khu tách biệt (khu Lầm Thăng, Mỏ Chì và Nước Hai), có gia đình ở cách trung tâm xóm cả giờ đi bộ, nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Anh Hoàng Văn Tài đã nảy ra sáng kiến, đề xuất và được xã chấp thuận để có 3 phó xóm phụ trách 3 khu; vận động mỗi hộ đóng góp 10 nghìn đồng/năm để hỗ trợ cho các phó xóm. 2/3 phó xóm đã được anh vận động đi học lớp nhận thức về Đảng và đang chờ kết nạp. Mới đây anh cũng đề xuất, mỗi quý Chi bộ được tổ chức họp 1 lần với trưởng các đoàn thể trong xóm để thường xuyên nắm bắt tình hình cũng như chỉ đạo hoạt động của các tổ chức này. Một ý tưởng khác của anh đã được Chi bộ và bà con thống nhất cao là đề ra Quy ước xóm, với nội dung rất cụ thế như: Nhà gái không được thách cưới quá 4 triệu đồng và 80kg thịt lợn; người qua đời phải được an táng trong vòng 24 giờ; gia đình nào xảy ra bất hòa để xóm phải can thiệp thì phạt 100 nghìn đồng nộp vào Quỹ xóm…

 

Đời sống kinh tế chưa hết khó khăn nhưng người dân Mỏ Chỉ rất tích cực, tự giác thực hiện nếp sống văn hóa: Mọi việc hiếu, hỷ đều được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm; xóm không có tệ nạn xã hội, không còn tình trạng trẻ em thất học, không ai theo “tà đạo” và cũng chưa ai bị phạt vì những xích mích trong cuộc sống; xóm có 77 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; tinh thần đoàn kết, tương trợ luôn được bà con duy trì tốt… (xóm chưa đạt khu dân cư văn hóa vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao). Những kết quả đó có dấu ấn đậm nét của Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài, với sự gương mẫu, hết mình vì việc chung và những ý tưởng thiết thực. Đầu năm nay, anh lại cùng với các cán bộ, đảng viên trong xóm vận động bà con đóng góp 100 nghìn đồng/hộ và hàng trăm ngày công để mở một đoạn đường dài gần 1km; dựng lại nhà văn hóa xóm rộng trên 60m2, trị giá 70 triệu đồng (giá trị gỗ do bà con đóng góp). Đối với những việc chung như thế, không chỉ trên vai trò tổ chức, chỉ đạo, anh còn luôn “lăn xả” vào trực  tiếp làm và làm nhiều hơn người khác, bởi anh nghĩ mình là cán bộ, nếu không như vậy thì nói ai nghe.

 

Phụ cấp ít ỏi, nhiều lúc hy sinh việc gia đình, riêng tư để lo việc chung, nhưng anh Hoàng Văn Tài ít nghĩ đến điều đó vì cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ bà con, góp phần giúp bà con xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Anh xứng đáng nhận được sự tin yêu, quý trọng của mọi người và là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.