Suy nghĩ đó là của những thành viên Câu lạc bộ Tóc Trẻ Thái Nguyên. Họ làm nghề không đơn thuần chỉ vì mục đích làm giàu cho bản thân, mà còn có tấm rộng mở đối với cộng đồng, nhất là hướng tới giúp đỡ người nghèo.
Chưa từ chối chuyến đi từ thiện nào
Thấy tóc tôi sau nhiều lần hết uốn quăn lại ép thẳng nên rất xơ xác, mấy người bạn chỉ tôi đến “chuyên gia phục hồi” Tóc Chiến ở 27, đường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) để xem có cứu vãn được tình hình không?. Chỉ sau vài chục phút gội - cắt - dưỡng, mớ tóc khô như rơm của tôi đã óng ả, ngoan ngoãn xếp nếp hợp với khuôn mặt. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên không phải ở tài biến hóa tóc của ông chủ có dáng to cao như người mẫu này (Chiến đã thành danh trong sự nghiệp “cầm kéo” và có hẳn 3 salon tóc ở khu vực trung tâm thành phố), mà là ở những điều mắt thấy tai nghe về những chuyến cắt tóc lưu động miễn phí và tặng quà cho người nghèo của các thành viên Câu lạc bộ Tóc Trẻ Thái Nguyên, ở đó Lương Đình Chiến giữ vai trò Phó Chủ tịch.
Có mặt tại ngày thành lập Câu lạc bộ (CLB) cách đây hơn 2 năm, gần 50 tay kéo đã khiến người xem ấn tượng bằng những màn cắt tóc không kém gì các “ảo thuật gia”. Có người cắt xong một kiểu tóc chỉ bằng… một nhát kéo, người lại cắt tóc bằng…lửa. Hôm đó, Chiến biểu diễn kiểu cắt tóc bằng… rìu khá độc đáo. CLB này đến hôm nay vẫn là tổ chức về tóc duy nhất của Thái Nguyên, trực thuộc Liên hiệp CLB ngành tóc phía Bắc.
Ngay từ khi mới thành lập, các hội viên CLB đã xác định 2 nhiệm vụ chính là: giúp nhau nâng cao tay nghề, giúp nhau vượt qua khó khăn và tham gia các hoạt động xã hội. Anh Nguyễn Văn Bẩy, Trưởng ban Tổ chức CLB ngành tóc miền Bắc, Chủ nhiệm CLB nói: Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, tổ chức sinh ra phải làm việc lấy phúc, lấy lộc cho đời. Từ quan điểm đó, CLB thường xuyên tổ chức các chuyến đi vùng sâu, vùng xa, mang gương, lược, kéo… đến bản, làng cắt tóc miễn phí cho người nghèo.
Vào facebook của CLB, tôi được xem nhiều hình ảnh do các thành viên ghi lại các chuyến đi như thế. Gần đây nhất là ngày 25 và 26-11 vừa qua, 10 hội viên CLB đã cùng CLB Thầy thuốc trẻ (Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên) vào xã Sảng Mộc (Võ Nhai). Các bác sĩ thì khám bệnh, còn các “tay kéo” thì kê ghế húi tóc cho người đi khám và dân bản.
Anh Bẩy cho biết thêm, mỗi năm CLB tham gia khoảng 8 đến 10 chuyến cùng với các tổ chức tình nguyện của Tỉnh Đoàn, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, Sở Y tế, Đội hướng thiện. Chúng tôi chưa từ chối một chuyến đi nào khi được thông báo. Mỗi lần như thế, ngoài cắt tóc cho khoảng 80 đến 100 người, chúng tôi còn gom góp được từ 1 đến 2 triệu đồng để mua quần áo mới, hoặc mang quần áo cũ đi cho người nghèo. Các xã còn khó khăn của tỉnh như Văn Hán, Trại Cau (Đồng Hỷ), Vạn Phái (Phổ Yên), Sảng Mộc, Nghinh Tường (Võ Nhai) đã in bước chân của các thành viên CLB. Một số hội viên luôn sẵn sàng lên đường đến với đồng bào như Quốc Dương, Hoài Thương, Lê My, Thế Hùng, Ngọc Hải, Lan Anh, Hồng Hạ… Đặc biệt Chiến có lần đưa toàn bộ nhân viên của 1 cơ sở đi làm từ thiện.
Trò chuyện với tôi, Bùi Hữu Phúc, thành viên CLB kể: Em ấn tượng nhất chuyến vào xã Trại Cau (Đồng Hỷ). Đường thì không quá xa nhưng khó đi kinh khủng, lại đúng vào hôm nước to, bọn em phải đẩy ô tô qua suối, cuối cùng thanh niên của xã phải “tăng bo” bằng xe máy mới vào đến nơi.
Không tính hơn - thiệt
Tôi tính với Chiến: - Bỏ cửa hàng một ngày mất khoảng 2 triệu đồng (thu nhập trung bình của một salon tóc hiện nay); xăng, xe nhà mang đi; đồ nghề, trả lương nhân viên; góp tiền mua quà…mỗi chuyến đi như thế cũng mất khá là tiền đấy chứ?
Chiến bảo: - Nếu tính toán thì không bao giờ đi được. Tất cả anh em trong CLB tham gia đều xuất phát từ mong muốn góp thêm việc tốt cho mọi người thôi.
Không chỉ cắt tóc miễn phí như trên đã nói, các thành viên CLB còn nhiều việc làm ý nghĩa khác như tài trợ giải thể thao cho xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); mua tranh ủng hộ sinh viên nghèo; cắt tóc miễn phí cho thanh niên hiến máu nhân đạo Trường Đại học Công nghiệp Thía Nguyên và các hộ chính sách ở Gang thép…
Tham gia CLB, các Hội viên còn được “hút” vào nhiều hoạt động của Liên hiệp CLB ngành Tóc phía Bắc. Trong đó ấn tượng nhất là cuộc “đọ kéo” của hàng trăm thợ giỏi cả nước trong Ngày giỗ Tổ nghề hằng năm (16/3 âm lịch) ở Kim Liên (Hà Nội). Tương truyền, vài trăm năm trước, có thày địa lý qua làng Kim Liên, thể theo nguyện vọng của các cụ ở đây mà ra tay yểm mạch làng nghề, từ đó người làng Kim Liên nổi tiếng khắp nước với nghề đòi hỏi cái duyên, cái khéo của thợ này. Năm 1988, khi nhà nước mở đường thông từ ô Kim Liên đến ô Chợ Dừa đã đào được một chiếc hòm đá trước Đình làng. Trong hòm có tấm bia khắc chữ Hán Nôm có nội dung: Yểm mạch hành nghề thợ cạo.
Cũng như các cụ xưa, hầu hết các thành viên CLB tóc Trẻ Thái Nguyên đến với nghề bằng sự khéo tay, hay mắt. Nhiều người khởi nghiệp bằng quầy cắt tóc nhỏ, nay đã thành các nhà tạo mẫu tóc có thu nhập khá như Hiếu, Khánh, Long, Hạnh, Quốc, Tư. Một số trở thành chuyên gia, liên tục đi hỗ trợ kỹ thuật cho các salon tóc ở Hải Dương, Hòa Bình như Chiến, Dương.
Cùng với những kiến thức ngày càng chuyên sâu, các thành viên CLB lại có cái tâm hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ cộng đồng, đó là điều xã hội luôn ghi nhận và trân trọng.