Nên sửa độ tuổi trẻ em phù hợp Công ước quốc tế

09:19, 11/12/2013

Nên sửa đổi độ tuổi của trẻ em cho phù hợp với Công ước quốc tế ; quy định cụ thể hơn các hành vi xâm hại đến quyền trẻ em… khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian tới.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan tại hội thảo tổng kết chín năm thực hiện và thảo luận một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Luật BVCSGDTE) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 10-12 tại Hà Nội,

 

 

Sau chín năm thực hiện, Luật BVCSGDTE đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm thực hiện các nhóm quyền cơ bản của trẻ em, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đồng thời, các nội dung và nguyên tắc của Luật đã đi vào đời sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với việc BVCSGDTE.

 

Về bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương chỉ sau một năm thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em thì tỷ lệ trẻ em phải lao động nặng nhọc và trong điều kiện nguy hiểm, độc hại đã giảm 9,1% so với năm trước khi thực hiện chương trình; 7% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác; 90% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi được chăm sóc… Các mô hình trợ giúp trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ nhiễm HIV/AIDS. trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục… được cải thiện, mở rộng và đem lại hiệu quả tích cực.

 

Việc triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Các nhóm quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí của trẻ được chú trọng, nâng cao. Tỷ lệ huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các cấp học tại các địa phương tăng hàng năm. Đồng thời, việc xã hội hóa giáo dục đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của trẻ em; các loại hình trường lớp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được chú trọng; hầu hết các địa phương đều xây dựng trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thanh thiếu niên, điểm vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BVCSGDTE năm 2004 cũng bộc lộ một số hạn chế. Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Luật BVCSGDTE hiện vẫn là dạng luật khung, chưa quy định đầy đủ một số quyền của trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em; chưa quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em, dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn. Độ tuổi của trẻ em Việt Nam hiện nay là dưới 16 tuổi còn thấp hơn quy định của Công ước là dưới 18 tuổi… Nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với tình hình hiện nay, như: chưa có cơ chế phối hợp, quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành liên qua, do vậy việc phối hợp thực hiện ở các cấp còn nhiều khó khăn; chưa có các quy định về biện pháp bảo đảm nhất là các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…