Những nguyên nhân khiến XKLĐ đạt thấp

09:28, 11/12/2013

Theo kế hoạch, năm 2013, Thái Nguyên phấn đấu đưa 2 nghìn người đi lao động ở nước ngoài (XKLĐ). Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, chỉ tiêu này đã được HĐND tỉnh điều chỉnh xuống còn 1 nghìn lao động tại kỳ họp giữa năm 2013. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến hết tháng 11, toàn tỉnh thực hiện XKLĐ được cho 865 người, đạt 86,5% kế hoạch năm 2013. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), kết quả XKLĐ đạt thấp là do nhiều nguyên nhân.

Anh Nguyễn Đức Thuận, 20 tuổi ở tổ 35, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) là người đi XKLĐ đầu năm 2013 tại Đài Loan. Toàn bộ chi phí đi tại Đài Loan là 90 triệu đồng được gia đình huy động từ nguồn tiết kiệm của họ hàng. Tuy nhiên, với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, đến nay, anh Thuận đã trả hết nợ và bắt đầu có những khoản dành dụm. Trao đổi với chúng tôi qua mạng Internet anh cho biết: “Tôi hy vọng mình sẽ dành dụm được một khoản tiền đủ để lập nghiệp tại quê nhà Thái Nguyên”. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có đủ số tiền để đi XKLĐ như anh Thuận. Anh Mai Trung Dũng, 21 tuổi thuộc diện hộ nghèo ở xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa) có nhu cầu đi XKLĐ tại Đài Loan nhưng sau khi đã học tiếng Đài Loan và tham gia đào tạo nghề thì không thể vay đủ tiền để nộp cho phía đơn vị kinh doanh dịch vụ XKLĐ. Anh cho biết: Chi phí để đi XKLĐ tại Đài Loan quá cao so với khả năng kinh tế của tôi vào thời điểm hiện tại bởi tôi chỉ có thể vay được tối đa 30 triệu đồng theo diện hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

 

Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, tình trạng người đi XKLĐ gặp khó khăn về kinh phí là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng mạnh tới việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu lao động trên địa bàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ XKLĐ. Hiện tại, chi phí để người lao động có thể đi xuất khẩu lao động ở một số thị trường phổ biến như Trung Đông, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… dao động từ 25 triệu đồng tới gần 90 triệu đồng.

 

Trung tâm Dạy nghề và Xuất khẩu lao động thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (Batimex) là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nhiều do thực trạng trên. Những năm trước đây, trung bình, mỗi năm đơn vị này thực hiện đưa từ 600 đến 800 người đi XKLĐ. Đặc biệt, năm 2012, đơn vị này đã đưa tới trên 1,2 nghìn người đi XKLĐ. Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, Trung tâm Dạy nghề và Xuất khẩu lao động Batimex mới đưa được trên 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó chỉ có gần 160 lao động là người Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Xuất khẩu lao động Batimex cho biết: Nguyên nhân lớn nhất khiển cho tình trạng XKLĐ sụt giảm mạnh là do người lao động không có đủ điều kiện về tài chính trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại chưa được triển khai. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến XKLĐ đạt thấp là do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế dẫn tới những thị trường truyền thống sụt giảm nhu cầu. Trong khi năm 2012 chúng tôi nhận được những đơn hàng có nhu cầu lên đến 500 lao động thì đến năm 2013 đơn hàng từ các đối tác nước ngoài lớn nhất mới là 100 lao động và trung bình các đơn hàng chỉ từ 30 đến 50 lao động, cá biệt có đơn hàng chỉ có nhu cầu 10 lao động. Cũng theo bà Điệp, trình độ người lao động còn nhiều hạn chế trong khi yêu cầu tay nghề cao cũng là rào cản lớn khiến cho lượng người xuất khẩu lao động qua đơn vị đạt thấp.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: tình trạng trên cũng là những khó khăn chung mà công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Năm 2013, tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ cho 2 nghìn người nhưng trước nhiều diễn biến không thuận lợi, tại kỳ họp giữa năm, HĐND tỉnh đã nhất trí điều chỉnh giảm 50% chỉ tiêu xuống còn 1 nghìn lao động. Theo báo cáo chưa đầy đủ của trên 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ XKLĐ, đến hết tháng 11, toàn tỉnh đã thực đưa được 865 người lao động đi XKLĐ, đạt 86,5% kế hoạch năm 2013. Dự kiến đến hết năm 2013, khi hơn 100 doanh nghiệp còn lại hoàn thành báo cáo, số người đi XKLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ là trên 1 nghìn người và đạt trên 100% kế hoạch năm 2013.

 

Theo bà Hằng, kết quả đạt thấp có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng… từ Dự án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề chưa kịp thời. Kinh phí Trung ương cấp cho tỉnh là trên 4 tỷ đồng thực hiện Dự án này hiện vẫn chưa giải ngân được trong khi người lao động muốn đi XKLĐ đa phần thuộc diện hộ nghèo, sinh sống ở những địa bàn nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, hầu hết người đi XKLĐ là lao động phổ thông, trình độ tay nghề, ngoại ngữ chưa có; chưa tự giác học nghề, học ngoại ngữ để đủ điều kiện đi XKLĐ ở những thị trường mà đơn hàng có thu nhập cao… Những thị trường truyền thống có khả năng thu hút nhiều lao động với mức chi phí thấp như Malaysia, Trung Đông không còn nhiều hấp dẫn do thị trường việc làm trong nước ngày một mở rộng trong khi thị trường hấp dẫn đối với lao động trong nước là Hàn Quốc đã tạm thời “đóng cửa”. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh đáp ứng được những yêu cầu từ phía những thị trường đòi hỏi cao như Nhật Bản lại rất thấp.

 

Năm 2014, ngành LĐTBXH sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định hỗ trợ kinh phí trên 4 tỷ đồng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về XKLĐ tới đông đảo người dân và mở rộng tìm kiếm những thị trường mới. Đây sẽ là những giải pháp chính để tỉnh thúc đẩy XKLĐ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.