Nỗi niềm của người dân Cô Dạ

09:40, 23/12/2013

Cầu hỏng, đường xấu nên việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khiến người dân xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình) và một số xóm, xã lân cận lâu nay luôn mong mỏi về một con đường và cây cầu an toàn hơn…

Đồng chí Dương Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý đưa chúng tôi “mục sở thị” cây cầu và con đường xóm Cô Dạ. Nhìn 1 trụ lan can cầu đã bị bật hẳn chân, sở dĩ vẫn đứng được là nhờ vào mấy thanh lan can thép mỏng manh khiến chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi nghĩ đến tai nạn rất dễ xảy ra. Theo ông Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ xóm Cô Dạ: Xóm hiện có 229 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ nằm ở bên này sông đã có đường đi lại thuận tiện, còn lại là các hộ nằm ở bên kia sông. Tuy nhiên, hầu hết đất sản xuất của bà con trong xóm lại nằm ở bên kia sông nên hằng ngày, người dân vẫn phải đi lại qua cây cầu và đoạn đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề dài khoảng 1km để sản xuất nông nghiệp. Cây cầu được làm từ những năm 70 của thế kỷ trước, do nhân dân trong xóm tự góp công, góp tiền làm lên để thay thế cho cây cầu vồng ngay cạnh đó. Cầu được đổ bê tông, lan can là những thanh thép nhỏ, chiều rộng chưa đến 2 mét, còn chiều dài khoảng trên dưới 40 mét…

 

Trải qua thời gian, cây cầu ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là khoảng 1-2 năm trở lại đây, mặt cầu đã bắt đầu bị thủng nên người dân phải dùng xi măng vá lại, chính vì thế mà đã tạo ra những điểm gồ ghề khiến việc qua cầu của người dân càng thêm khó khăn và nguy hiểm.

 

Anh Nguyễn Văn Hiền, người dân của xóm nói: Nhà tôi ở bên kia sông (đúng điểm cuối cùng của xóm, giáp ranh với xóm Hóa). Bên đó không có các dịch vụ phục vụ cho công việc làm mộc cũng như nhu cầu sinh hoạt của gia đình nên ngày nào tôi cũng phải qua bên này sông để mua bán và giao dịch. Trước kia, tôi thường đi theo con đường đất của xóm nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, con đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nên việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn, vì thế, tôi thường phải đi đường vòng qua xóm Hóa, ra trung tâm xã rồi đi ngược lên trung tâm xóm Cô Dạ. Thay vì chỉ phải đi quãng đường dài khoảng 1km, giờ tôi phải đi xa gấp tới 3-4 lần. Sản phẩm tôi làm ra cũng phải vận chuyển theo đường vòng nên giá cước phải trả cao hơn từ 2-3 lần so với đi đường trục xóm. Mới đây, khi tôi vừa đèo con trai lên cầu thì một người dân trong xóm đánh xe trâu đi từ đầu bên kia lại đã quyệt vào xe của tôi rồi kéo bố con tôi một đoạn dài (do cầu quá hẹp nên bánh xe trâu đã móc vào chỗ để chân của xe máy) khiến cánh tay của tôi do cố bám vào thành cầu để không bị ngã đã bị trầy xước, chảy rất nhiều máu (giờ vẫn còn để lại vết sẹo dài - pv).

 

Cầu đã thế, đường đi cũng gian nan không kém, nhất là vào những ngày trời mưa thì hầu như chẳng có bất cứ loại xe nào có thể đi được, hoặc có đi thì cũng rất dễ bị ngã. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Huế, người dân xóm Hóa, nhà có ruộng ở xóm Cô Dạ thì trước đây, đoạn đường đất này xe ô tô nhỏ vẫn có thể đi được, nhưng giờ thì không thể. Hàng hóa chỉ có thể vận chuyển bằng xe trâu. Bản thân chị và các thành viên trong gia đình cũng đã bị ngã nhiều lần trên đoạn đường này.
 

Đồng chí Dương Quốc Hùng nói: Đoạn đường này xấu và nhỏ hẹp nhưng vào những ngày không mưa vẫn được nhiều người đi qua để đến với chợ Tân Khánh - chợ có sức mua bán lớn nhất ở các xã phía Bắc của huyện (còn nếu không đi qua con đường này thì người dân phải đi qua trung tâm xã, xa hơn khoảng 4-5km). Đoạn đường từ đầu cầu xóm Cô Dạ vào đến chợ Tân Khánh dài khoảng 5km, thì chỉ còn khoảng 1,3km (trong đó có 1km thuộc xóm Cô Dạ, 0,3km thuộc xóm Hóa) vẫn là đường đất nhỏ hẹp (có đoạn bề rộng mặt đường chưa đến 1m, còn trung bình khoảng 2m), còn lại đều đã được đổ bê tông và nhựa hóa. Trước thực tế này, UBND xã đã nhiều lần báo cáo với UBND huyện để trước mắt giúp xã mở rộng và san gạt mặt đường rộng khoảng 5-6m và được huyện cho chủ trương thuê đơn vị thiết kế, tính toán chi phí. Theo đó, số tiền để mở rộng mặt đường dự toán khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do huyện chưa tìm được nguồn kinh phí nên đoạn đường này đến nay vẫn chưa có điều kiện mở rộng, trong khi, các hộ dân có đất nằm trên tuyến đường đều đã tự nguyện ký cam kết hiến đất theo yêu cầu mở rộng mặt đường, với diện tích lên tới khoảng 5-6 nghìn mét vuông.

 

Kết cấu hạ tầng lâu nay vẫn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của một địa phương. Bởi thế, việc người dân xóm Cô Dạ mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư để mở rộng mặt đường và làm mới cây cầu là hoàn toàn chính đáng để người dân có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là để giúp xã sớm thực hiện thành công mục tiêu về giao thông trong các chương trình xây dựng nông thôn mới.