Quản lý vận chuyển quá tải: Vấn đề không dễ

16:10, 10/12/2013

Đối với lĩnh vực giao thông, vận tải, ngoài vấn đề tai nạn giao thông thì vận chuyển quá tải cũng đang được xem là vấn nạn xã hội, không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn luôn là chủ đề nóng trên các diễn đàn. Trước nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng chí Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đã trao đổi, làm rõ hơn vấn đề này.

Đồng chí Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: “Tới đây, việc phối hợp triển khai đồng bộ các phương án theo chỉ đạo của Chính phủ, chắc chắn hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó, vấn nạn chở quá tải sẽ bị đẩy lùi”.

 

Cái khó trong xử lý xe quá tải

 

Đánh giá về tình trạng vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí Trương Văn Phụng cho biết: Tình trạng vận chuyển quá tải đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp không chỉ với Thái Nguyên mà trên phạm vi cả nước. Tại Thái Nguyên, việc sử dụng phương tiện vận chuyển quá tải phổ biến nhất đối với hoạt động khai khoáng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tập trung nhiều nhất tại các tuyến đường qua địa phận như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37 và một số tuyến tỉnh lộ qua khu vực khai thác khoáng sản (Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…) Nhiều phương tiện vận chuyển vượt từ 30% tải trọng cho phép trở lên.

 

Về những cái khó trong xử lý phương tiện vận chuyển quá tải hiện nay, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, thứ nhất, các lực lượng chức năng chưa có đầy đủ phương tiện kiểm tra, xử lý tức thời (ví dụ như còn thiếu hệ thống cân tải trọng di động, bãi hạ tải, bề rộng mặt đường không đủ ...). Thứ hai, lực lượng chức năng còn mỏng, việc ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra đối với lực lượng Thanh tra giao thông còn có những hạn chế nhất định, chủ yếu vẫn là lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thực hiện. Thứ ba, khi tiến hành kiểm tra, thường chỉ xử lý được một vài trường hợp ban đầu, bởi sau khi phát hiện thấy lực lượng chức năng, các xe vận tải đi phía sau sẽ được thông tin và tạm dừng vận chuyển, chờ "an toàn" mới đi tiếp. Thứ tư, khi các tỉnh, thành trong cả nước không tiến hành xử lý xe quá tải một cách đồng bộ thì việc một địa phương xử lý nghiêm theo quy định sẽ dẫn tới tình trạng ách tắc hàng hóa, giao thông đi lại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương đó.

 

Ngành Giao thông - Vận tải đã cố gắng

 

Thời gian qua, Sở đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển quặng, vật liệu xây dựng…quá tải gây hư hỏng đến công trình giao thông. Đồng thời, tiến hành cắm bổ sung biển báo hiệu đường bộ cho phù hợp với tải trọng thiết kế cầu, đường bộ của một số tuyến đường chuyên vận chuyển khoáng sản của tỉnh. Sở cũng tổ chức tuyên truyền và ký cam kết yêu cầu 7/7 cơ sở thi công, cải tạo xe cơ giới trên địa bàn tuyệt đối không được cơi nới, cải tạo thùng xe không đúng thiết kế; không cho chủ phương tiện mượn hoặc thuê thùng, bệ tạm thời để phục vụ mục đích đăng kiểm sau đó lại sử dụng thùng, bệ sai thiết kế để vận chuyển hàng quá tải; chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm kiên quyết xử lý và không cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các xe cơi nới thùng hàng trái quy định; tổ chức rà soát, ký cam kết với 45 doanh nghiệp vận tải hàng hóa (với số lượng 499 xe tải và xe sơ mi rơ mooc), yêu cầu không chở quá tải trọng quy định. Mặt khác, ngành cũng phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, xử phạt các phương tiện vận chuyển quá tải. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.

 

Tăng cường quản lý chặt hơn

 

Đồng chí Trương Văn Phụng cho biết: Mới đây, Chính phủ đã có Công điện, liên bộ Giao thông - Vận tải và Công an cũng đã có Kế hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Thực hiện các chỉ đạo trên, ngay đầu tháng 12 này, Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng dự thảo Kế hoạch về việc phối hợp trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm vận chuyển quá tải trên địa bàn để trình tỉnh xem xét, phê duyệt; đề xuất Ủy ban nhân đân tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải trang bị cho địa phương 1 trạm cân lưu động, bố trí các vị trí đủ điều kiện đặt trạm cân và có bãi hạ tải.

 

Theo đó, tới đây các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn, các tuyến tỉnh lộ 268, 269 và một số tuyến đường khác. Lực lượng phối hợp lần này sẽ được bố trí dầy hơn gồm: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng khác. Phương tiện cũng được trang bị đầy đủ hơn với hệ thống cân trọng tải, máy ảnh, camera ghi hình… Được biết, một số tỉnh, thành trong cả nước đã bắt đầu triển khai đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ và bước đầu mang lại hiệu quả. Tới đây, khi toàn quốc đồng loạt triển khai thực hiện; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban; sự vảo cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh; các doanh nghiệp vận tải nghiêm túc thực hiện quy định, tin tưởng rằng vấn nạn vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh sẽ dần được kiểm soát.



 

 


Ông Ngô Văn Xuân, cán bộ tuần đường, Hạt Quản lý đường bộ 3: Phần lớn cầu và mặt đường của tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ km139 đến km172, do đơn vị trực tiếp quản lý, đã bị xuống cấp, đặc biệt, cầu Suối Mang và cầu Điệp là 2 cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhất. Cả 2 cây cầu này đều bị vỡ bê tông cánh dầm ngang bản mặt cầu, hở phần cốt thép ra ngoài, khe co giãn bị nứt và bong bật các tấm cao su ra ngoài. Hiện, cơ quan chức năng đã sửa xong cầu Suối Mang và đang tiến hành sửa chữa cầu Điệp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự lưu thông thường xuyên của các xe có tải trọng cao gấp 2 đến 3 lần tải trọng cho phép của tuyến đường, nhất là các xe chở cát, sỏi từ Tuyên Quang về Thái Nguyên. Để đảm bảo chất lượng hạ tầng giao thông, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý quyết liệt đối với các phương tiện vận chuyển quá tải trọng cho phép.

 

Chị Lưu Thị Thúy, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ): Sống ngay cạnh trục đường tỉnh 269 nên tôi được chứng kiến lượng xe ô tô trọng tải lớn chạy qua ngày một tăng. Mỗi ngày có khoảng 40 xe chở quặng từ 50 đến 70 tấn chạy qua khiến nhiều đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Lúc nắng thì bụi, khi mưa thì bẩn, khiến việc đi lại của người dân trên tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ đến trường. Trước thực trạng trên, chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành sớm có giải pháp hạn chế sự lưu thông của những xe trọng tải lớn trên tuyến đường này.