Thu hút nhân tài: Chính sách đã mở

10:32, 09/12/2013

Một trong những nội dung được đông đảo người dân quan tâm tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh là UBND tỉnh sẽ có Tờ trình về quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực đến công tác, làm việc tại tỉnh ta. Nếu được HĐND tỉnh thông qua thì đây được coi là điểm nhấn quan trọng để cụ thể hóa khâu đột phá trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới nhằm sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Tờ trình quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và luân chuyển cán bộ, công chức tỉnh Thái Nguyên chính là cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 22-11-2011 về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 1237-NQ/TU ngày 24-9-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về “Cơ chế, chính sách đặc thù với người tốt nghiệp thủ khoa đại học, tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc và có trình độ cao tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên”.

 

Theo đó, đối tượng thu hút được đưa ra là người có học hàm giáo sư, phó giáo sư; học vị tiến sỹ, thạc sĩ; những người có trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú, người tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học và người tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc. Đối với những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ hằng tháng được hỗ trợ thu hút bằng một lần mức lương cơ sở, được hỗ trợ thêm 50% mức lương hiện hưởng trong thời gian 5 năm kể từ ngày có văn bản tiếp nhận, bố trí công tác. Được bố trí nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ tiền nhà ở hằng tháng bằng 1 lần mức lương cơ sở. Trường hợp không có nhà công vụ, không nhận tiền hỗ trợ nhà ở hàng tháng và có nhu cầu mua nhà ở thuộc quyền sở hữu Nhà nước hoặc mua đất làm nhà ở thì được hỗ trợ một lần bằng 50 lần mức lương cơ sở.

 

Sau khi tiếp nhận công tác người có học hàm giáo sư được nhận hỗ trợ 1 lần 150 triệu đồng; phó giáo sư 100 triệu đồng và tiến sĩ là 80 triệu đồng. Các đối tượng còn lại hằng tháng được hỗ trợ thu hút bằng 1 lần mức lương cơ sở trong thời gian 5 năm và được hỗ trợ 1 lần cụ thể như sau, đối với bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2: 60 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 40 triệu đồng; người tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học: 30 triệu đồng và người tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc: 20 triệu đồng. Các đối tượng này được tiếp nhận không qua thi tuyển hoặc ưu tiên tuyển dụng theo điều kiện, tiêu chuẩn tại quy định này vào cán bộ, công chức, viên chức (trường hợp mới ra trường). Được xem xét cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước hoặc nước ngoài (khi có điều kiện). Được tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường, bố trí quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý xứng đáng với năng lực.... Theo ý kiến của nhiều người, mức hỗ trợ trên là tương đối hấp dẫn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương tuyển dụng được người có trình độ năng lực về công tác.

 

Một trong những ngành nhiều năm qua khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ đó là ngành Y tế. Có những bệnh viện thông báo tuyển gần 20 bác sĩ nhưng không tuyển dụng được ai. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Chính sách thu hút nhân tài được đưa ra bàn bạc trong kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi cho đây là khâu đột phá của tỉnh thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có của địa phương. Như vậy, không riêng ngành Y tế, mà các sở, ngành, địa phương sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tuyển dụng người có trình độ cao về công tác. Hiện nay, ngành Y tế còn thiếu khoảng 300 bác sĩ so với yêu cầu của công việc. Với các mức thu hút như trên tôi nghĩ ngành Y tế sẽ tuyển dụng được nhiều cán bộ có trình độ cao về công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc”. Còn đối với những sinh viên đang học trên ghế giảng đường thì đây cũng là động lực để các em phấn đấu tốt để có nhiều cơ hội trong tuyển dụng. Em Ngô Minh Chữ, sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Kỹ thuật điện, công nghệ thông tin đào tạo theo chương trình tiên tiến của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp bày tỏ sự vui mừng: “Em nghĩ nếu tỉnh nào cũng xây dựng được chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như Thái Nguyên thì người có trình độ sẽ được đánh giá, trọng dụng đúng mức, có cơ hội để cống hiến, đóng góp sức mình trên từng vị trí nhất định”.

 

Mặc dù mức thu hút được đánh giá là khá “hấp dẫn” nhưng một số nhà khoa học, cán bộ quản lý đầu ngành cũng cho rằng khó thực hiện nếu chỉ đãi ngộ bằng tiền. Điều mà các nhân tài cần nhiều hơn chính là môi trường làm việc, được phát biểu chính kiến, được thỏa sức sáng tạo. Đặc biệt, những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... cần phải có một môi trường nghiên cứu khoa học thật sự nhằm phát huy tối đa trí tuệ của mình để đóng góp cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Hiện nay, môi trường làm việc tại một số lĩnh vực, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn chưa thực sự chuyên nghiệp, khiến cho một bộ phận người lao động không phát huy hết khả năng, trí tuệ và ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút những người có tâm và có tầm. Chính vì vậy, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp. Cùng với việc lắng nghe, trân trọng những đóng góp, sáng kiến lao động thì việc thực hiện các chính sách, chế độ về khen thưởng, động viên những cống hiến của người tài cũng là điều cần phải xây dựng tương xứng để họ gắn bó, cống hiến lâu dài với địa phương.


 

PG-TS Trần Thanh Vân, Trưởng ban Đào tạo sau đại học, Đại học Thái Nguyên: Tôi thấy chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Thái Nguyên rõ ràng, chi tiết, thuận lợi cho việc áp dụng, triển khai. Đặc biệt tốt là đã đề cập đến vấn đề sắp xếp công việc, bố trí quy hoạch, bổ nhiệm cho đội ngũ cán bộ có trình độ cao thu hút về tỉnh. Song tôi thấy trong Tờ trình chưa đề cập đến độ tuổi tối đa cho đối tượng là GS, PGS, TS khi được thu hút. Và mức hỗ trợ kinh phí của Thái Nguyên còn thấp hơn so với tỉnh miền núi Lào Cai. Đề nghị nâng mức hỗ trợ đối với học hàm GS lên 500 triệu, PGS lên 400 triệu và học vị TS lên 300 triệu đồng. Mức này so với công sức, sự đầu tư đi học, đào tạo một con người là còn rẻ....


 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Phó Trưởng phòng Chính quyền Địa phương, Sở Nội vụ: Khi tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Tờ trình này, Sở Nội vụ đã tổ chức hội thảo với các ngành, địa phương lấy ý kiến và tham khảo một số tỉnh lân cận. Tuy mức thu hút đưa ra cao hơn một số tỉnh lân cận như T.P Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ, Thái Bình, song tôi vẫn băn khoăn một điều là liệu những người có học hàm, học vị cao có về đầu quân cho địa phương hay không khi môi trường, điều kiện làm việc ở nhiều nơi khác, nhất là các trường đại học, cao đẳng hấp dẫn hơn….