34 mỏ đá được quy hoạch trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với trữ lượng trên 900 nghìn m3. Hiện đã có 13 mỏ đá ở Đồng Hỷ đi vào hoạt động, cung cấp khối lượng lớn vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số mỏ đá ở Đồng Hỷ lại đang là điểm nóng về khiếu kiện vì gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn lao động…
Khi cấp phép khai thác đá ở Đồng Hỷ, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đồng Hỷ đều yêu cầu tổ chức, cá nhân là chủ mỏ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn và đánh giá tác động môi trường (khoảng cách an toàn tối thiểu đối với tài sản là 150m, đối với người là 300m). Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc quy trình khai thác và có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên dẫn tới mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khu vực lân cận.
Mới đây nhất là một số người dân ở xã Hòa Bình đã có đơn gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đồng Hỷ đề nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn tại Mỏ đá Hang Trai của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tân An Phú. Người dân ở xã Tân Long cũng có ý kiến xung quanh hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại các mỏ: Đồng Luông, Na Lay ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, hư hỏng đường giao thông. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, cũng có mỏ đá ở huyện Đồng Hỷ để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện chỉ có Mỏ đá Núi Voi của Công ty cổ phần Cơ điện Luyện kim là khai thác đá theo phương pháp bóc tách, hạ thấp độ cao nên đảm bảo an toàn lao động. Còn tại một số mỏ đá khác trên địa bàn huyện đều khai thác theo hình thức tạo máng, đánh mìn nên rất dễ xảy ra tai nạn lao động do đá lăn từ trên núi xuống, công nhân ngã khi leo trèo khoan lỗ nổ mìn. Ngoài ra, còn có tình trạng, công nhân ở một số mỏ đá khoan lỗ đặt mìn không đủ độ sâu dẫn tới đất, đá bay quá khoảng cách an toàn vào ruộng, nương rẫy, công trình của người dân. Các lỗi vi phạm nêu trên chúng tôi đã nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng ở một số mỏ đá vẫn còn tình trạng tái phạm…
Hoạt động khai thác đá có sử dụng vật liệu nổ, môi trường lao động luôn tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động nhưng không phải chủ mỏ nào cũng nhận thức được để thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao ý thức, nhận thức cho người lao động về công tác bảo hộ, vệ sinh, an toàn lao động và giám sát việc chấp hành của người lao động. Cùng đó, là bản thân một số người lao động làm việc trực tiếp ở các mỏ đá còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc chấp hành quy trình sản xuất an toàn.
Ông Đoàn Văn Tùng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Việt Cường, đơn vị đang khai thác đá tại Mỏ đá Na Lay - nơi mới xảy ra tai nạn lao động chia sẻ: Xảy ra tai nạn lao động sẽ làm gián đoạn sản xuất, chủ doanh nghiệp tốn kém tiền của để giải quyết hậu quả và gây ra tâm lý hoang mang cho những lao động khác. Để ngăn ngừa tai nạn lao động, ngoài nỗ lực của chủ mỏ, bản thân người lao động phải thực sự có ý thức về việc chấp hành quy trình an toàn trong sản xuất. Riêng về phía người dân, cũng có ý kiến phản ánh đúng và chúng tôi đã tiếp thu, khắc phục những cũng có ý kiến phản ánh không đúng với mục đích gây khó khăn, cản trở sản xuất của doanh nghiệp…
Việc phòng, tránh tai nạn lao động và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các mỏ khai thác đá ở huyện Đồng Hỷ là việc làm cần thiết vì sẽ có lợi cho các chủ mỏ, công nhân sản xuất trực tiếp và người dân địa phương.