Tôi thấy mình “giàu có” hơn khi làm hội thẩm

08:48, 14/12/2013

Đó là thổ lộ của chị Nguyễn Thị Hương Canh (trú tại tổ 6, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên) khi nói về công việc hội thẩm nhân dân chị đang đảm nhiệm. Hình ảnh người phụ nữ trung niên cẩn trọng nghiên cứu hồ sơ, nhẹ nhàng có lý có tình khi nghị án đã trở nên quen thuộc với những cán bộ Tòa án tỉnh 14 năm qua.

Coi tòa án là cơ quan thứ hai của mình

 

Điều tôi cảm nhận đầu tiên ở chị là sự bận bịu dù đã nghỉ hưu. Chị bảo, năm 2010 được nghỉ ở trường thì ngay năm sau chị tham gia làm Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức, Ban Chấp hành Hội người cao tuổi ở phường. Ở tổ dân phố có gần 800 nhân khẩu này, chị là Phó Bí thư Chi bộ (Chi bộ có 75 đảng viên cơ sở và 112 đảng viên 76), Trưởng ban Công tác mặt trận. Chưa kể, chị vẫn tiếp tục được giới thiệu làm Hội thẩm nhân dân của Tòa án tỉnh...

 

Sinh ra ở Hà Giang, chị Canh học Khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) và được giữ lại trường làm giảng viên từ năm 1978, gắn bó với Khoa, với Trường từ đó đến ngày về hưu. Năm 1999, khi chị đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Sử thì Tòa án cử người vào trường đặt vấn đề để giới thiệu chị ra Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu. Chị trở thành Hội thẩm nhân dân từ đó.

 

- Mình lo lắng lắm vì kiến thức về pháp luật chưa nhiều - Chị Canh nhớ lại - Phiên tòa đầu tiên ngồi ghế hội thẩm (HT), mình lắng nghe cách đặt câu hỏi của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử thế nào. Trước khi hỏi bị cáo, mình nghĩ đi nghĩ lại, cân nhắc rất nhiều…Nay thì đã quen việc hơn nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng vì chỉ cần lơi là nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn.

 

-    Những vụ án bị sửa, hủy hay oan sai đều có lỗi của HT? Tôi hỏi.

 

-  Đúng thế. Chính vì vậy người HT phải luôn thận trọng ở các khâu. Trước hết, nghiên cứu hồ sơ phải nghiêm túc. Có vụ án nhiều bị cáo, nhiều tình tiết phức tạp, hồ sơ dày vài gang tay, phải xem nhiều ngày mới hết. Đến khâu xét xử cũng vậy, phải chú ý lắng nghe, suy ngẫm, đặt câu hỏi xác đáng đối với bị cáo để cùng HĐ xét xử đưa ra kết luận thấu lý đạt tình, bảo vệ lợi ích chính đáng cho bị cáo.

 

Tuy nhiên, để hiểu hồ sơ, phiên tòa và làm tròn bổn phận của mình, HT ngoài kiến thức thu được từ các chương trình tập huấn, thì phần tự đọc các bộ luật, các văn bản hướng dẫn của ngành Tòa án, tìm hiểu tâm lý đối tượng… là những lao động âm thầm mà HT phải tự trang bị.
Một trong những hạn chế của các HT hiện nay là đảm nhiệm nhiều công việc một lúc nên có khi Tòa phải mời nhiều lần mới có một HT tham gia. Đây cũng là khó khăn của chị Canh, nhưng chị đã có cách hóa giải với quan điểm: tòa án là cơ quan thứ hai của mình.

 

- Để tổ chức được một phiên tòa liên quan đến nhiều cơ quan, nhân sự, kinh phí, nếu vắng một trong những thành viên của HĐ xét xử, phiên tòa phải hoãn. Vì vậy tôi luôn sắp xếp công việc, thậm chí xin chuyển giờ dạy để đến Tòa. Cũng có đôi lần gặp tình huống đặc biệt tôi đã báo trước cho Tòa kịp thời gian để có HT khác thay thế, không để phải hoãn chương trình xét xử. Vì coi Tòa là cơ quan thứ hai nên tôi đặt trách nhiệm HT ngang trách nhiệm giảng viên trong trường. Đó cũng là nguyên nhân để tôi hoàn thành tốt công việc HT nhân dân.

 

Nhìn lại 14 năm tham gia HT, điều chị Canh tự hào nhất là chưa để xảy ra vụ án nào bị tòa cấp trên hủy, sửa hay oan sai. Tinh thần trách nhiệm của chị đã được các cơ quan chức năng ghi nhận bằng nhiều Giấy khen và Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao.

 

Trĩu nặng tâm tư qua mỗi phiên tòa

 

Gấp lại tập hồ sơ đang nghiên cứu tại Tòa án tỉnh, chị thở dài: Mỗi vụ án là một nỗi buồn, có khi trở thành nỗi ám ảnh khó quên. Như vụ sắp đưa ra xét xử cuối tháng 12 này là ví dụ.  2 sinh viên chỉ vì mẫu thuẫn nhỏ mà đánh 2 bạn cùng trường, khiến 1 người chết, 1 người thương tật. Nhìn những tấm ảnh khám nghiệm tử thi này thật đau lòng. Người đau khổ nhất vẫn là những ông bố bà mẹ có con chết, con phải vào tù. Không biết tương lai của những người này ra sao…?

 

Ngần ấy năm làm HT đã rất nhiều lần chị ngậm ngùi như thế. Có lần xét xử lưu động tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an), thấy nhiều tù nhân xinh xắn, khỏe khoắn mà thấy tiếc cho họ vì tuổi thanh xuân đang bị hoài phí.

 

Chị lắc đầu nói với tôi: Có những công việc chỉ mong được thất nghiệp. Như việc của ngành Tòa án chẳng hạn. Tôi đã mang những điều mắt thấy tai nghe, những cảnh đời ngang trái để nói với các sinh viên, những người quen biết của tôi để mong họ tránh gặp phải những hoàn cảnh buồn như thế.

 

Chia tay chị, tôi hỏi: - Nhiều ý kiến cho rằng mức thù lao cho HT hiện nay là quá thấp (90.000 đồng/ngày xét xử), trong khi một lao động phổ thông cũng có thể được trả đến 200.000 đ/ngày. Chị thấy thế nào?

 

- Quả là thấp và không ai nghĩ làm HT để có khoản tiền đó. Nhưng tôi thấy mình giàu lên nhiều từ khi làm HT. Đó là kiến thức pháp luật và vốn sống đầy đặn hơn. Cũng vì thế mà tôi điềm đạm, cẩn trọng hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống. 

 

- Hết nhiệm kỳ, nếu được tín nhiệm, chị có nhận lời làm HT tiếp không?

 

- Tôi sẵn sàng.