Vệ sinh môi trường ở nông thôn: Bài toán không dễ giải

09:18, 05/12/2013

Nhờ những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, các tổ chức từ thiện nhân đạo, mấy năm trở lại đây, người dân 2 xóm người Mông của xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) là Trung Sơn và Lân Đăm đã được sử dụng nước sạch và điện sinh hoạt. Tuy nhiên, do nhận thức và tập quán sinh hoạt còn nhiều hạn chế nên vấn đề vệ sinh môi truờng vẫn là bài toán khó giải ở 2 xóm đặc biệt khó khăn này.

Y sĩ Võ Thị Mạnh Thuỷ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Sơn cho biết: So với 3 năm trở về trước, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) của toàn xã đã tăng lên đáng kể. Năm 2010, toàn xã có 688/714 hộ gia đình có nhà tiêu. Trong đó, số hộ có nhà tiêu HVS là trên 50%. Đến nay, toàn xã có 775/788 gia đình có nhà tiêu, tỷ lệ nhà tiêu HVS chiếm 61%. Đặc biệt, cả xã có 250 công trình vệ sinh tự hoại (tăng gấp đôi so với năm 2010), tập trung chủ yếu tại các thôn nằm bám theo đường lớn là La Giang I, La Giang II, La Tân, Lân Táy. Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn gần 40% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu không HVS hoặc không có nhà tiêu, tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và các thành viên trong gia đình.

 

Lân Đăm là bản nghèo nhất xã, 100% người dân trong bản là đồng bào dân tộc Mông. Bản chỉ có 14 nóc nhà, 88 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, trồng sắn nên bấp bênh và thiếu thốn. Năm 2012,  nhờ có vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững do Ban Dân tộc tỉnh cấp, đồng bào đã có nước sạch để dùng, không còn phải xuống lũng sâu gùi lấy nước. Có điện, có nước sạch sinh hoạt nhưng môi trường sống của bà con nơi đây vẫn bị ô nhiễm nặng nề, do thói quen vứt rải thải bừa bãi và nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần chỗ ở. Chuồng lợn của gia đình anh Lý Văn Sự và chị Lý Thị Dinh được đặt giữa cửa, chỉ cách nhà khoảng sân rộng chừng hai chục mét, nước bẩn từ chuồng lợn lênh láng xung quanh nhà ở. Anh Sự cho biết, nhiều lần cán bộ cũng đến bảo phải chuyển chuồng lợn đi chỗ khác, ở thế này mất vệ sinh con cái dễ bị ốm nhưng mà kệ, để đây quen rồi.

 

Chị Âu Thị Thanh, nhân viên y tế thôn bản của Lân Đăm thở dài: Mỗi khi chúng tôi vận động làm nhà vệ sinh, người thì viện lý do không có tiền, người thì bảo bao đời nay vẫn thế có sao đâu. Sau rất nhiều năm nỗ lực tuyên truyền, vận động, đến nay chỉ có hộ ông Dương Văn Thái chịu làm nhà tiêu HVS.

 

Cũng giống như Lân Đăm, người dân ở xóm nghèo Trung Sơn đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Tuy vậy, Trung Sơn thuận lợi hơn vì ở vùng thấp, gần Quốc lộ. Cuối năm 2011, Hội Chữ Thập đỏ và Tổ chức nhân đạo Na Uy đã đầu tư cho xóm 16 giếng khoan (mỗi giếng 8 triệu đồng), 35 nhà tiêu 2 ngăn (mỗi nhà tiêu được đầu tư 2 triệu đồng). Kể từ đó môi trường sống của bà con đã có nhiều biến chuyển. Xóm hiện có 63 hộ, 325 nhân khẩu, theo thống kê, xóm có 12 công trình nhà tiêu tự hoại, 39 nhà tiêu 2 ngăn, 4 nhà tiêu 1 ngăn và 8 nhà tiêu loại khác.

 

Chị Trần Thị Phúc Toàn, nhân viên y tế thôn bản của xóm nói: Kể từ khi xóm được hỗ trợ làm giếng khoan và nhà tiêu HVS, các loại bệnh về đường ruột, tiêu chảy nhất là ở trẻ em đã giảm nhiều. Nhưng còn tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà dù đã tuyên truyền nhiều nhưng vẫn chưa có mấy người chịu thay đổi. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa các loại rác rưởi, chất thải  bẩn tràn ra cổng, ra đường.

 

Quả thực, thay đổi thói quen sinh hoạt là điều không thể làm trong “một sớm một chiều” bởi nó đã bám dễ sâu trong tiềm thức, suy nghĩ của họ. Muốn thay đổi điều đó, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, điều quan trọng, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường sống. Từ đó sẽ góp phần nâng cao điều kiện sống ở nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.