Vững vàng giữa trùng khơi

17:24, 26/12/2013

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tàu hải quân HQ571 mang hàng Tết ra đảo đã đến với đảo Đá Tây, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 35 hải lý về phía Nam. Đại tá Nguyễn Văn Thư quyết định neo tàu lại một đêm trước khi chuyển hàng Tết đến với các chiến sĩ và cho chúng tôi lên đảo vào ngày 26-12.

Luôn chắc tay súng

 

Đá Tây là một đảo chìm, có hình quả trám, gồm 3 điểm đảo được đánh số thứ tự A, B và C. Giữa các điểm đảo hình thành một hồ nước dài 15km, rộng trung bình 3km, sâu từ 10 đến 20m, rất thuận tiện cho các tàu neo đậu và tránh trú gió bão.

 

Khi chúng tôi xuống xuồng máy để vào điểm đảo Đá Tây B, trời đột nhiên mưa lớn. Thượng úy Bùi Duy Việt, Chỉ huy Trưởng đảo Đá Tây B, sinh năm 1988, đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Anh bảo: “Mưa thế này đã là gì, có những ngày biển động, sóng biển cao đến gần chục mét, tạt đến tận cửa sổ tầng 2 của nhà chỉ huy. Ở trên trên đảo, mỗi năm trung bình có tới gần 200 ngày mưa liên tục”. Khu chỉ huy của đảo Đá Tây B là căn nhà 3 tầng kiên cố, xây dựng trên nền san hô ngầm dưới mặt nước biển gần 1m. Cạnh đó là nhà văn hóa, nhà khách và Trạm Hải đăng Đá Tây của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Những năm gần đây, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên điểm đảo đã được cải thiện nhiều. Nguồn điện được tự túc bằng pin năng lượng mặt trời và sức gió. Trên đảo có tivi, sách báo giúp cho chiến sĩ cập nhật thông tin. Khu nhà văn hóa còn có sân bóng bàn, các thiết bị tập thể hình, dàn hát karaoke… Về đời sống, ngoài lương thực được chuyển ra từ đất liền, các chiến sĩ còn chủ động được một phần bằng cách trồng rau xanh trong chậu xốp, nuôi gà, chó, đánh bắt cá biển…

 


Các chiến sĩ trên điểm đảo Đá Tây B trồng rau xanh trong hộp xốp.

Đại úy Phan Văn Vinh, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây B chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của anh em có lẽ là vấn đề thời tiết. Mùa khô thì nắng nóng, thiếu nước ngọt. Mùa mưa thì mưa liên tục như muốn nhấn chìm cả đảo, rau xanh hầu như chết hết. Dẫu vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi luôn quán triệt cho anh em thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt. Đảm bảo đủ thời gian huấn luyện, bảo quản vũ khí và các trang thiết bị kỹ thuật.

 

Từ lúc lên đảo đến khi trở ra tàu là gần 2 tiếng đồng hồ, tôi quan sát thấy chiến sĩ trẻ Bùi Huy Nghĩa không hề rời vị trí gác. Anh bồng súng, đứng nghiêm trang cạnh cột mốc chủ quyền của đất nước. Trung úy Bùi Quốc Việt cho biết: Tại điểm mốc chủ quyền và vọng gác, luôn có chiến sĩ trực gác 24/24 giờ. Vinh dự lớn và nhiệm vụ nặng nề nên anh em ở đây luôn nhắc nhở nhau phải giữ vững lời thề danh dự của quân nhân: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc, luôn luôn giữ cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng”.

 

Khơi dậy tiềm năng biển

 

Từ đảo Đá Tây B, đi xuồng máy khoảng 6 hải lý, qua một vùng biển lặng, chúng tôi đến được với điểm A. Đây là điểm đảo chỉ huy nên hệ thống nhà chỉ huy và các công trình phụ trợ có quy mô lớn hơn cả. Thượng úy Đỗ Trọng Quỳnh, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây A cho biết: Khu vực quanh đảo Đá Tây có nguồn thủy sản dồi dào nên bà con mình thường xuyên lui tới để đánh bắt. Nơi đây cũng có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá để cung cấp nước ngọt, dầu nhớt và sửa chữa tàu thuyền hư hỏng cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn. Điều đặc biệt, cách nhà chỉ huy điểm đảo Đá Tây A khoảng 100m có một hệ thống nuôi cá lồng trên biển. Khu vực nuôi cá này được đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng, hiện có 6 lồng cá với hàng vạn con cá chim trắng.

 

Việc nuôi cá lồng trên khu vực biển gần đảo Đá Tây A được thực hiện từ năm 2009. Xuất phát từ ý tưởng tìm một loài cá phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên vùng biển quần đảo Trường Sa nhằm chủ động nguồn hải sản tươi sống cho quân dân trên đảo, Công ty Hải sản Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129) đã nuôi thử nghiệm 4 loại cá: chẽm, hồng đen, mú và chim trắng. Sau một thời gian, trong khi các loại cá khác không thể thích nghi thì loại cá chim trắng không những chịu đựng được điều kiện khí hậu mà còn phát triển rất nhanh. Anh Nguyễn Hữu Quang, Đội trưởng Đội nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty Hải sản Trường Sa - Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết: Khu vực Đảo Đá Tây được bao bọc xung quanh bởi bãi đá ngầm và san hô tạo thành một hồ nước với độ sâu lý tưởng, lặng gió nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Để phát triển nghề nuôi cá, Công ty đã sử dụng máy xúc và các trang thiết bị hiện đại để cải tạo được 4ha diện tích mặt nước. Dự kiến, đến khi hoàn thiện, khu vực nuôi trồng thủy sản của đơn vị sẽ có diện tích lên tới 27ha.

 

Theo ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đánh giá: Tiềm năng nuôi cá lồng ở đây rất lớn, sau một thời gian nuôi thử nghiệm, chúng tôi đã thu được những kết quả khả quan. Bên cạnh việc nuôi cá lồng, Công ty Hải sản Trường Sa còn cung cấp cho ngư dân đánh bắt xa bờ nước ngọt miễn phí. Các loại dầu, thực phẩm được bán cho ngư dân bằng giá so với trong đất liền. Khi tàu thuyền của ngư dân gặp sự cố, công nhân của Công ty còn kiêm luôn công việc cứu trợ, dịch vụ sửa chữa. Chỉ tính trong năm nay, đảo Đá Tây đã tiếp nhận hơn 200 lượt tàu ra vào đảo, cung cấp miễn phí nước ngọt và bán gần 10 nghìn lít dầu cho ngư dân. Từ ý tưởng nuôi cá lồng, đến phát triển các dịch vụ dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây đã từng bước khơi dậy tiềm năng hải sản phong phú, đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ những ngư dân đánh bắt xa bờ. Phát triển kinh tế biển cũng góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền trên biển của đất nước.