Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành phụ sản cho Bệnh viện A. Mục tiêu đề ra là phát triển chuyên sâu Sản khoa và Nhi khoa, là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương (giai đoạn 2013-2015), phấn đấu trước năm 2020, Bệnh viện A đạt Bệnh viện hạng I.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Việc thành lập các Bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và sẽ giảm tải được cho tuyến Trung ương. Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế-xã hội của vùng.Trong thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh của Thái Nguyên còn đối mặt với nhiều thách thức đó là nguồn lực đầu tư cho y tế tuy tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở các địa phương, kỹ thuật y học cao chưa được triển khai đồng đều… Để xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế của vùng, ngành Y tế đã lựa chọn khâu đột phá là xây dựng các Bệnh viện vệ tinh theo từng chuyên ngành cụ thể đối với Bệnh viện C, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, trong đó Bệnh viện A là đơn vị đầu tiên được lựa chọn thực hiện trước.
Đối với Bệnh viện A, đơn vị đảm nhận trọng trách quan trọng này, bác sĩ Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A bày tỏ quyết tâm cao: Thực tế, trước khi xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh, năm 2011, chúng tôi đã thực hiện cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật trong toàn Bệnh viện. Đó là, lãnh đạo Bệnh viện yêu cầu các khoa lâm sàng và cận lâm sàng phải xây dựng định hướng phát triển các kỹ thuật mới chuyên sâu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Cụ thể, là thực hiện tốt các phẫu thuật, thủ thuật đang có với chất lượng cao hơn và số lượng phải được tăng lên và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu mới. Triển khai có hiệu quả phương thức từ phẫu thuật truyền thống chuyển sang phẫu thuật nhỏ ít xâm lấn (nội soi).
Để đạt được mục tiêu đề ra theo Đề án là đến năm 2015 thực hiện được 75% các kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân và cam kết sau 3 năm trở thành Bệnh viện vệ tinh sẽ không chuyển bệnh nhân cho bệnh viện hạt nhân, thời gian qua, lãnh đạo Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo các y, bác sĩ về những kỹ thuật mới. Các y, bác sĩ được cử đi học bằng nhiều hình thức, như: học lớp học tập trung dài hạn; cử các nhóm kỹ thuật đi học theo chương trình chọn gói; mời các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực Sản, Nhi về Bệnh viện giảng dạy theo phương thức cầm tay chỉ việc (theo chương trình hợp tác, chỉ đạo tuyến) và tham gia các chương trình hội thảo, cemina để tiếp nhận việc chuyển giao các kỹ thuật mới trong phẫu thuật.
Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện đã cử được 70 cán bộ, y, bác sĩ đi học. Chỉ riêng lĩnh vực Sản khoa, nếu 5 năm trước, Bệnh viện có 5 bác sĩ thì nay nâng lên 16 bác sĩ. Một vấn đề nữa mà bệnh viện đặc biệt quan tâm là tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, ngành huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Bệnh viện. Từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn lực khác, Bệnh viện đã đầu tư xây dựng 1 nhà 7 tầng là khu điều trị chuyên Khoa Sản và Nhi và 1 nhà 9 tầng là khu điều trị chất lượng cao với tổng nguồn vốn gần 400 tỷ đồng cả xây lắp và trang thiết bị. Dự kiến năm 2014, cả hai công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, số giường bệnh được tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho cả bệnh viện và nhân dân trong công tác điều trị. Nếu như năm 2013, Bệnh viện được giao 420 giường bệnh, thì năm 2014, tăng thêm 50 giường bệnh. Cùng với đó là Bệnh viện đã tập trung cải cách ở khâu khám bệnh, các khoa, phòng, sắp xếp lại khu vực bố trí đón tiếp, khám, ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh và quản lý bệnh nhân…
Nhờ sự chủ động tích cực, nỗ lực của hơn 400 cán bộ, y, bác sĩ, hiện nay, Bệnh viện đã hoàn thành hầu hết các kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh và thực hiện được 60 kỹ thuật vượt tuyến. Với những ưu điểm nổi trội của việc ứng dụng các kỹ thuật mới trong phẫu thuật, phẫu thuật ít xâm lấn, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện ngày một đông. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 400-800 bệnh nhân đến khám và điều trị, số điều trị nội trú cao điểm nhất trên 800 người. Năm 2013, Bệnh viện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, đạt 168% kế hoạch đề ra.
Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện A thành Bệnh viện hạng I, phát triển chuyên sâu Sản và Nhi, là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản TW là hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, mà còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Đây là cơ sở để Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2015 trở thành Trung tâm Y tế vùng trung du miền núi Bắc bộ.
Hiện nay, Bệnh viện A Thái Nguyên đã thực hiện được gần 50% các ca phẫu thuật nội soi, cụ thể: -Lĩnh vực phụ sản thực hiện trên 20 loại phẫu thuật nội soi gồm: Cắt tử cung bán phần, cắt tử cung hoàn toàn, bóc tách u buồng trứng chửa ngoài tử cung; u lạc nội mạc tử cung; tái tạo loa vòi trứng trong điều trị vô sinh; buồng trứng đa nang; viêm mủ vòi trứng… -Lĩnh vực ngoại khoa thực hiện các phẫu thuật như: Khâu lỗ thủng dạ dày; cắt ruột thừa viêm; lấy sỏi thận; sỏi niệu quản; sỏi bàng quang -Tai mũi họng: cắt abed an -Mắt: mổ pha cô đồng trục -Chấn thương: gan; lá lách, khớp gối… -Hiện Bệnh viện đã thành lập được Trung tâm hỗ trợ sinh sản -Quý I, năm 2014 đưa Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được đưa vào hoạt động. |