Là xóm nghèo nhưng tinh thần vượt qua khó khăn để đến với tri thức của nhiều học sinh ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) lại rất mãnh liệt. Nhiều gia đình vì nuôi con ăn học mà kinh tế khó khăn hơn, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ là con cái được “giàu con chữ”.
Xóm Thậm Thình nằm dưới chân dãy núi Thằn Lằn, phong cảnh thật đẹp khiến chúng tôi liên tưởng đến câu thơ: “Đi qua xóm núi Thậm Thình / Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm…”, của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Là một xóm nghèo của xã Cát Nê với trên 50% số hộ thuộc diện nghèo và 100% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (Sán Dìu, Dao, Tày, Nùng) nhưng người dân ở Thậm Thình lại hiếu học nên có những gia đình thuộc diện nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi 3 con học đại học. Ông Lê Văn Seo, Trưởng xóm Thậm Thình cho biết: “Toàn xóm có 87 hộ với 326 nhân khẩu thì có tới 45 hộ nghèo. Khó khăn là vậy nhưng hầu hết các gia đình đều cố gắng cho con ăn học đến nơi, đến chôn. Hiện, xóm có tới 22 người tốt nghiệp đại học…”.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Ngọc có con là anh Nguyễn Văn Hiền - người đầu tiên ở xóm thi đỗ đại học. “Đây là gia đình thuộc diện hộ nghèo ông Nguyễn Văn Ngọc là người khuyết tật, tai bị điếc, sức khỏe yếu. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh Hiền đã quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Hiện nay, anh Hiền đang công tác tại tỉnh Tuyên Quang. Theo gương anh trai, ba người em của anh Hiền cũng lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…” - Ông Seo cho biết.
Bà Kim, mẹ anh Nguyễn Văn Hiền tự hào kể về chuyện học của các con. Bà bảo: “Đời mình đã khổ vì không biết đến con chữ nên vợ chồng tôi cố gắng nuôi con ăn học để có cái nghề cho cuộc sống đỡ khổ cực. Ở vùng quê nghèo này, tất cả nguồn thu nhập đều trông vào cây chè, cây lúa nên nuôi con ăn học cực nhọc lắm”. Với 2 sào lúa, 2 sào chè, không đảm bảo nguồn lương thực và chi tiêu tối thiểu cho gia đình nên khi kết thúc mùa vụ, bà Kim thường đi làm thuê kiếm tiền để gửi cho các con ăn học. Mỗi tháng, ngoài tiền học, bà Kim chỉ có thể chu cấp cho các con được hai trăm nghìn đồng nên những người con của bà vừa học vừa phải đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Thương bố mẹ vất vả, cơ cực, những người con của bà Kim chịu khó học hành, ngoan ngoãn, kết quả học tập đạt khá, giỏi, ra trường đều đã xin được việc làm.
Gia đình ông Vũ Văn Thắng ở xóm Thậm Thình cũng có 3 người con thi đỗ đại học và đều là những sinh viên có học lực khá, giỏi. Nói đến gia đình ông Vũ Văn Thắng, ông Seo chia sẻ: “Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, ông Thắng đã nuôi dạy 3 con mình học tập tốt, trở thành tấm gương sáng để cho các gia đình khác trong xóm noi theo. Để khuyến khích phong trào học tập, năm 2008, Ban Công tác Mặt trận xóm Thậm Thình đã thành lập Quỹ Khuyến học để kịp thời động viên các cháu học sinh trong xóm có thành tích cao trong học tập”. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liễu, vợ ông Thắng cho biết: “Vợ chồng tôi vất vả nhưng tự nhủ, dù có đói bụng cũng không thể để các con nghèo chữ nên cố gắng nuôi 3 con ăn học đại học. Các con rất có ý thức bảo ban nhau chăm chỉ học tập đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm cha mẹ. Nhiều khi vợ chồng tôi cực khổ kiếm từng đồng tiền, đổ mồ hôi giữa trời nắng chang chang mà lòng vẫn thấy vui sướng”. Nụ cười hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm vì một nắng, hai sương của bà Liễu.
Lý giải câu hỏi của chúng tôi vì sao ở một xóm nghèo nhưng tinh thần học tập của các cháu lại cao như vậy. Ông Seo trả lời: “Từ những tấm gương vượt khó như cháu Nguyễn Văn Hiền và các cháu khác, sau khi ra trường các cháu lại có được những vị trí làm việc tốt, thu nhập ổn định nên các thế hệ học sinh tiếp theo đều thi đua học tập để có một tương lai tươi sáng hơn. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự tạo điều kiện giúp đỡ của Nhà nước về việc cho vay nguồn vốn sinh viên. Nhờ có nguồn vốn vay này mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể nuôi các con ăn học thành tài”.
Bà Trần Thị Nữ cũng có 3 người con đã và đang theo học đại học, cho rằng: “Thu nhập của các hộ nông dân không cao nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không được vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên. Có được kết quả như hôm này là do các cháu cố gắng học tập, chúng tôi nỗ lực lao động và Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn…”. Ông Dương Văn Niên, Phó Chủ tịch HĐND xã Cát Nê cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi các cháu ở xóm Thậm Thình biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học hành. Trong những lần phát động phong trào học tập của xã Cát Nê, chúng tôi thường lấy tinh thần học tập của các cháu học sinh ở xóm Thậm Thình làm gương…”