Bắt đầu từ năm 2013, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đại Từ thực hiện việc phân công bác sĩ của Trung tâm và các trạm y tế đến hỗ trợ công tác khám chữa bệnh tại những trạm y tế các xã chưa có bác sĩ. Sau một năm thực hiện, chủ trương này bước đầu cho thấy hiệu quả, giúp cải thiện năng lực khám chữa bệnh tại cơ sở, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên.
Huyện Đại Từ hiện có 9/31 trạm y tế xã chưa có bác sĩ gồm: Khôi Kỳ, Tân Thái, Lục Ba, Bình Thuận, Hoàng Nông, Tiên Hội, Phú Cường và Phúc Lương. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực khám chữa bệnh tại những địa phương này. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bộ Y tế đã có Đề án số 1816 thực hiện luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới. Tuy nhiên, Đề án này chỉ triển khai xuống tới các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Do vậy, để chủ động trong việc hỗ trợ các trạm y tế xã còn thiếu bác sĩ, đầu năm 2013, TTYT huyện Đại Từ đã có Quyết định về việc Phân công cán bộ làm công tác khám chữa bệnh tại các xã chưa có bác sĩ. Theo đó, các bác sĩ thuộc biên chế của TTYT hoặc các trạm lân cận được phân công đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Thời gian tối thiểu là 2 ngày/tuần, lịch làm việc quy định cố định và dán tại bảng thông báo của các trạm y tế.
Là một trong 3 trạm y tế đầu tiên của huyện Đại Từ đạt chuẩn Quốc gia về y tế vào năm 2005, nhưng đã 7 năm nay Trạm Y tế xã Bình Thuận không có bác sĩ. Vì vậy, Trạm chỉ có thể khám và điều trị bệnh trong phạm vi cho phép, chủ yếu là khám và cấp phát thuốc các bệnh thông thường như: cảm cúm, nhức đầu, viêm họng…, còn các bệnh khác phải chuyển lên tuyến trên.
Y sĩ Nguyễn Thị Oanh, Phó Trạm trưởng cho biết: Do không có bác sĩ nên những bệnh nhân nặng hoặc những bệnh không rõ triệu chứng chúng tôi đều phải chuyển lên tuyến trên, chính vì vậy nên đã ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh. Thực tế là từ năm 2006, khi bác sĩ Trạm trưởng chuyển lên Bệnh viện huyện thì bệnh nhân đến Trạm ngày càng vắng, bình quân mỗi ngày chúng tôi chỉ đón tiếp được trên chục bệnh nhân (giảm từ 30-40% so với trước). Cho đến đầu năm 2013, Trạm được bác sĩ Trần Đình Dương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Linh đến hỗ trợ nên lượng bệnh nhân tìm trạm đã đông hơn. Năm 2013, Trạm đã khám và chữa bệnh cho trên 5.100 lượt bệnh nhân, tăng gần 600 lượt người so với năm 2012.
Đang nằm điều trị tại Trạm Y tế xã Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Tuyết, xóm Bình Khang chia sẻ: Bên đùi phải của tôi bị u rất đau, trong quá trình điều trị thường xuyên phải đi siêu âm kiểm tra. Trước ở Trạm mặc dù có máy nhưng lại không có bác sĩ làm siêu âm nên hầu như tháng nào tôi cũng phải lên Bệnh viện huyện, bản thân lại không tự đi xe được nên bất tiện lắm. Nhưng giờ thì tốt rồi, tuần nào bác sĩ Dương cũng đến Trạm, tôi không còn phải vất vả đi siêu âm ở xa nữa.
Tương tự, Trạm Y tế xã Khôi Kỳ thiếu bác sĩ từ năm 2010 trong khi phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho gần 7 nghìn người dân trong xã nên các cán bộ của Trạm đã gặp không ít khó khăn. Theo sự phân công của TTYT huyện, năm 2013 bác sĩ Phạm Đình Phương, phụ trách Khoa Xét nghiệm cuả TTYT huyện và bác sĩ Hồ Văn Tuyên, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thái luân phiên đến hỗ trợ khám và điều trị bệnh tại Trạm Y tế xã Khôi Kỳ (do cả 2 bác sĩ đều đang học nâng cao nên TTYT huyện bố trí 2 cán bộ để đảm bảo tuần 2 ngày Trạm Y tế Khôi Kỳ có bác sĩ). Nhờ đó, lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Khôi Kỳ trong năm 2013 đã tăng 1 nghìn lượt so với năm trước.
Y sĩ Bùi Thị Hiệp, Phó Trạm trưởng bày tỏ: Có bác sĩ chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bệnh nhân cũng có niềm tin hơn khi đến Trạm. Không chỉ các ca bệnh khó có thể xử lý ngay tại Trạm và các thiết bị hiện đại phục vụ đắc lực cho công tác khám chữa bệnh như máy siêu âm, máy điện tim vốn bị bỏ không khi vắng bác sĩ thì nay đã được khai thác để phục vụ người bệnh. Như hôm cuối tháng 12-2013, có em học sinh lớp 7 trường THCS Khôi Kỳ được các thầy cô giáo đưa đến đây trong tình trạng toàn thân tím tái. May hôm đó đúng ngày bác sĩ Tuyên đến hỗ trợ, bệnh nhân nhanh chóng được bác sĩ xác định là do rối loạn nhịp tim. Sau khi được bác sĩ khám và sơ cứu bệnh nhân được giữ lại trạm để theo dõi, 2 ngày sau sức khỏe của cháu đã bình phục. Trường hợp này nếu không có bác sĩ, chúng tôi chỉ có thể sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân rồi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhờ có bác sĩ đến hỗ trợ, Trạm đã giảm được gần 100 lượt bệnh nhân phải chuyển tuyến trên so với năm 2012.
Trên thực tế khi mà không thể ngay lập tức lấp đủ lượng bác sĩ đang thiếu hụt tại các trạm y tế thì việc phân công bác sĩ từ TTYT huyện và các xã lân cận tăng cường cho trạm y tế còn thiếu bác sĩ như hiện nay ở Đại Từ là cách làm linh hoạt, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân ở nông thôn. Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc TTYT huyện cho biết: Chủ trương này sẽ được TTYT huyện Đại Từ tiếp tục thực hiện trong năm 2014. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện, chúng tôi đang hỗ trợ và tạo điều kiện cho một số cán bộ y tế đi học tập nâng cao trình độ. Hiện đang có 8 cán bộ được cử đi đào tạo bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Sau khi số cán bộ này ra trường thì tình trạng thiếu bác sĩ tại các trạm y tế xã ở Đại Từ sẽ cơ bản được giải quyết.