Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 40 năm về trước anh Nguyễn Khắc Thái ở xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) lên đường nhập ngũ khi tuổi tròn đôi mươi với lời hẹn sẽ trở về khi nước nhà độc lập. Nhưng lời hẹn ấy vĩnh viễn không trở thành hiện thực, anh đã hy sinh trong môt trận chiến trên mảnh đất Kon Tum. Ngày 13-1-2014 anh mới trở về quê hương trong vòng tay yêu thương của gia đình và bà con làng xóm.
Nghe tin hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Khắc Thái được đưa về quê an táng, dù sáng mùa Đông trời Thái Nguyên rét đậm nhưng họ hàng, làng xóm, các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền xã, xóm đều có mặt tại ngôi nhà thời thơ ấu anh đã ở từ sớm. Ai cũng nóng lòng đón đợi người con ưu tú của quê hương trở về. Liệt sĩ Nguyễn Khắc Thái sinh ngày 1-5-1951, năm 1971 anh lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện tại huyện Phú Bình, anh theo đơn vị vào Nam chiến đấu. Kể từ đó gia đình chỉ biết được tin về anh qua những lá thư viết vội trên đường hành quân. Những dòng thư ngắn từ chiến trường đã cho gia đình thêm niềm tin vào lời hẹn của anh trước khi lên đường.
Dù đã hơn 40 năm nhưng ông Nguyễn Khắc Hùng (em trai liệt sĩ Nguyễn Khắc Thái) vẫn nhớ như in từng dòng thư của anh trai mình: Có lá thư anh ấy viết khi đang hành quân trên đường Trường Sơn, có lúc anh bảo đang ở Biên giới Việt - Lào, thư được viết trên mẩu giấy học trò vỏn vẹn vài dòng: “Bố mẹ và gia đình vẫn khỏe chứ ạ? Con thì vẫn khỏe. Chờ ngày chiến thắng con sẽ trở về”. Vài dòng ngắn ngủi thế thôi nhưng cũng giúp gia đình có thêm niềm tin để đợi anh về. Anh Hùng cho biết thêm: Đầu năm 1974, gia đình còn nhận được một lá thư của anh, trong thư anh nói vẫn khỏe nhưng thư đến tay gia đình tôi thì anh đã không còn.
Theo giấy báo tử và các tài liệu nhận được sau ngày anh hy sinh, gia đình được biết: Liệt sĩ Nguyễn Khắc Thái vào Đảng tháng 10-1972, hy sinh ngày 15-8-1973 trong khi chiến đấu tại mặt trận phía Nam, đơn vị: C8-D9-E66-F10-Quân đoàn 3, chức vụ Trung đội trưởng, đã chiến đấu 7 trận, chỉ huy đơn vị chiến đấu tốt. Anh đã được khen thưởng 3 Huân chương (Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba); 2 Bằng khen và 1 giấy khen.
Dẫu biết chiến tranh là mất mát nhưng nỗi đau mất đi người thân với bất cứ gia đình nào cũng là quá lớn. Ông Hùng chia sẻ: Mắt bố mẹ tôi mỗi ngày thêm trũng sâu vì thương nhớ con. Nén lòng chờ sau ngày nước nhà thống nhất, gia đình tìm về đơn vị cũ, gặp thủ trưởng đơn vị mong tìm được mộ anh nhưng không thu được thông tin gì. Mỗi khi nghe nói ở đâu đó có người đồng chí, đồng đội từng chiến đấu cùng anh là gia đình đều tìm gặp bằng được để hỏi thông tin, ai mách từng gặp anh ở chiến trường nào chúng tôi cũng về lại nơi đó. Nhưng suốt mấy chục năm, mọi manh mối đều không có kết quả. Dù biết việc tìm kiếm không dễ nhưng niềm mong mỏi tìm được anh chưa giờ phút nào nguôi trong gia đình tôi. Mẹ tôi lập bàn thờ anh ngay cạnh phòng bà để tiện sớm tối nhang khói và cũng là để từng giây từng phút bà được ngắm nhìn anh qua di ảnh.
Trong 2 năm 2006, 2007, vì tuổi cao bố mẹ tôi lần lượt qua đời khi tâm nguyện đưa anh về chưa thực hiện được. Điều đó càng thôi thúc anh, chị em tôi đi tìm anh. Đầu năm 2008, như một cơ duyên, gia đình tôi gặp được chị Năm Nghĩa (Nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa) khi chị từ Bà Rịa Vũng Tàu ra Thái Nguyên. Niềm hy vọng của chúng tôi lại được nhen lên khi chị Năm Nghĩa khẳng định, phần mộ của anh đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum nhưng hiện đang là mộ vô danh. Theo chỉ dẫn của chị Năm Nghĩa, gia đình đã xác định được vị trí mộ của anh, nhưng do chúng tôi muốn cải táng cho cha mẹ xong sẽ đón anh về nên gia đình vẫn để anh nằm lại trong Kon Tum và hàng năm gia đình đều vào thắp hương cho anh cùng đồng đội.
Được sự giúp đỡ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ huy quân sự 2 tỉnh Thái Nguyên, Kon Tum và Cục Người có công, năm 2013, gia đình được lấy mẫu hài cốt trong phần mộ được cho là của liệt sĩ Thái gửi về Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam giám định ADN, đối chiếu với mẫu tóc và móng tay của ông Nguyễn Khắc Hùng. 3 tháng sau, kết quả giám định xác định ADN trong mẫu xương gia đình gửi về trùng khớp với ADN trong mẫu tóc và móng tay của ông Hùng. Có được kết quả và sự đồng ý của chính quyền địa phương hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khắc Thái được gia đình và chính quyền xã Đồng Bẩm tổ chức lễ đón nhận và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.
Trong hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc còn đang nằm lại trên các chiến trường, các nghĩa trang liệt sĩ cả nước đã có thêm một người con được trở về với đất mẹ yêu thương.