Tín hiệu vui trên những bản người Mông

11:00, 11/01/2014

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự cố gắng, tinh thần tự lực của người dân cộng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo bản làng vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Võ Nhai đang khởi sắc từng ngày. 

Không ít xóm (bản) người Mông ở Võ Nhai từng được coi là những vùng tách biệt với thế giới bên ngoài. Giao thông khó khăn đã hạn chế sự giao thương, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa của bà con. Không những thế, nhiều hạng mục hạ tầng khác vẫn còn thiếu. Những ai từng đặt chân đến các xóm: Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài thuộc xã Thượng Nung; Mỏ Chì, xã Cúc Đường; Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc; Chòi Hồng, xã Tràng Xá; khu Lân Thùng, xã Phương Giao, hoặc Làng Ươm, Lân Vai thuộc xã Dân Tiến… mới thấu nỗi vất vả và sự khát khao của bà con về điện, đường, trường, trạm. Hiện nay, những vấn đề đó đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước cải thiện điều kiện sống cho đồng bào.

 

Tuyến đường dẫn vào xóm Lũng Hoài trước đây chỉ như một lối mòn trên đá, thường phải đi bộ. Cách đây vài tháng khi gặp chúng tôi, ông Lý Văn Lù than thở: “Bà con vất vả làm ra hạt ngô, củ sắn, nuôi được con lợn, con gà nhưng muốn bán cũng rất khó khăn và rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Đường xá không thuận tiện nên ít lái buôn lên đến tận xóm thu mua, bà con phải gùi nông sản xuống chợ bán”. Tháng 10-2013, tuyến đường từ trung tâm xã đến xóm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, với số vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Giờ đây, từ trung tâm xóm xuống đến xã chỉ mất khoảng 20 phút đi xe máy, xe tải cũng đã có thể vào đến tận nơi. Niềm khát khao bấy lâu nay của bà con Lũng Hoài đã thành hiện thực, mở ra cơ hội thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu cho trên 30 hộ dân. Cũng như Lũng Hoài, 2 xóm Lũng Luông, Lũng Cà đang được đầu tư khá mạnh vào các hạ tầng thiết yếu. Tuyến đường từ xóm Lục Thành vào 2 xóm này đã được nâng cấp, mở rộng và hạ thấp độ cao. Mới đây tiếp tục được đổ bê tông gần 1.000 mét nên giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đơn vị thi công cũng đang khẩn trương xây lắp để đóng điện Trạm biến áp Lũng Luông trước Tết Nguyên đán Giáp ngọ. Nhiều hộ dân đã chuẩn bị sẵn sàng cột và dây để “kéo” điện lưới về nhà khi Trạm biến áp hoàn thành, kịp thắp sáng trong dịp Tết. Còn tuyến đường vào xóm Lân Vai mới được khởi công nâng cấp với số vốn gần 5 tỷ đồng, hiện đã cơ bản hoàn thiện phần nền, đang chờ đổ bê tông. Công trình nước sạch phục vụ cho các hộ dân xóm Chòi Hồng; các phòng học mầm non, tiểu học tại các phân trường Làng Ươm và Lân Thùng được xây dựng kiên cố cũng mới hoàn thành đưa vào sử dụng...

 

Ông Đào Văn Páo ở xóm Lân Vai bày tỏ: Được Nhà nước đầu tư điện lưới, đường giao thông, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ máy nông nghiệp, phổ biến kỹ thuật phát triển sản xuất, bà con ai cũng phấn khởi, tin tưởng và cám ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Cơ hội thoát nghèo đã mở ra trước mắt chúng tôi.

 

 Người dân xóm Lân Vai đi trên con đường mới mở.

 

Điều đáng ghi nhận là cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, bà con người dân tộc Mông cũng luôn phát huy tinh thần tự lực, nỗ lực phát triển kinh tế. Điển hình là người dân Khuổi Mèo đã tự giác cùng nhau góp công, góp của để xây dựng một cây cầu gỗ bắc qua suối Mèo trên đường vào bản, đảm bảo giao thông trong mùa lũ và dựng được một phòng học mầm non; bà con Lũng Luông đóng góp gỗ và ngày công để xây dựng thêm một phòng học mầm non vào tháng 9-2013; người dân Lũng Cà cũng đã cùng góp công sức dựng thêm một phòng học cho phân trường trong lũng. Đó là tấm gương như ông Hoàng Văn Phùng ở Lân Vai, hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng trường học…

 

Trong phát triển kinh tế, bà con đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất (ví dụ như xóm Mỏ Chì hiện có tổng dư nợ tại ngân hàng trên 1,3 tỷ đồng, xóm Khuổi Mèo 1,6 tỷ đồng, xóm Chòi Hồng gần 1 tỷ đồng...). Đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Anh Lồ Văn Vình, Trưởng xóm Chòi Hồng cho biết: “Hiện nay hầu hết bà con trong xóm đã trồng các giống ngô lai cho năng suất cao, mạnh dạn cấy lúa lai thay thế các giống cũ, phát triển chăn nuôi và kinh tế đồi rừng. Vì vậy, xóm chỉ còn 87/171 hộ nghèo trong khi vài năm trước số hộ nghèo chiếm gần 100%, phần lớn hộ dân đã sắm được xe máy, ti vi”. Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cũng được triển khai tích cực. Các hủ tục trong những dịp hiếu, hỷ dần được xóa bỏ, những giá trị truyền thống (thể hiện qua trang phục, nhạc cụ) đang được đồng bào giữ gìn, khơi dậy. Có những xóm như Mỏ Chỉ, Lũng Hoài còn xây dựng được quy ước riêng phù hợp với nếp sống văn hóa mới và truyền thống dân tộc…

 

Những gì đang diễn ra cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Võ Nhai.