Bí mật về “Thần thuốc” của người Dao đỏ

17:57, 04/02/2014

Một đồng nghiệp ghé tai tôi bảo: Người Dao đỏ có vị “thần thuốc” linh lắm, cháu đi rồi sẽ rõ! Và tôi đi, khấp khởi trong lòng niềm hy vọng khám phá một vị thần thuốc với những câu chuyện huyền bí…

1. Chuyến đi này của chúng tôi, đáng lẽ phải được bắt đầu từ hơn 3 năm trước. Khi ấy, tôi thường nghe một đồng nghiệp lớn tuổi kể về một bà mế người Dao, cũng là ân nhân của gia đình ông khi đã chữa cho vợ ông căn bệnh vô sinh. Đứa con gái nhỏ của ông giờ đã ở tuổi 17, nhưng hình ảnh của mảnh đất Yên Ninh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên ngày nào với những bà mế đầu đội khăn xếp, không nói được tiếng Kinh nhưng tha thiết ân tình vẫn là động lực thôi thúc ông trở về.

 

Con đường dẫn vào xóm Suối Hang, xã Yên Ninh mờ mịt đất. Có những đoạn không còn gọi là đường. Một bên là núi, một bên là vực sâu, đường lại toàn đá lởm chởm khiến người nào người nấy nghiêng ngả theo nhịp bánh xe. Cuối cùng, xe cũng dừng lại. Ngôi nhà trước mắt chúng tôi nằm trên đồi cao, lúp xúp dưới tán cây, xung quanh bốn bề toàn núi đá.

 

Anh Triệu Hữu Lai (sinh năm 1978) nở nụ cười tươi và dáng vẻ bẽn lẽn dẫn chúng tôi vào nhà. Phía trong, sau tấm ri-đô cũ, bà Triệu Thị Nghin (sinh năm 1931), với mái tóc vấn khăn bạc trắng đang nằm. Đó chính là bà mế mà người đồng nghiệp của tôi vẫn thường nhắc đến. Dù đã ở tuổi 83 nhưng bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, nước da hồng hào. Nở nụ cười móm mém, bà lấy tay ra hiệu nhận ra người quen cũ rồi nói một tràng tiếng Dao không rõ nghĩa. Hai bên nắm tay nhau mừng mừng, tủi tủi…

 

Mấy năm nay, tuổi cao nên bà Nghin không còn đi lấy thuốc được. Bà truyền lại nghề cho cô con gái cả là Triệu Thị Nhất (sinh năm 1954). Chúng tôi ngồi được một lúc thì bà Nhất đi lấy thuốc về. Bà Nhất cũng không nói được tiếng Kinh nên câu chuyện của chúng tôi đều phải qua người… phiên dịch là anh Triệu Hữu Lai. Nhưng tình cảm giữa người miền núi và miền xuôi vẫn ăm ắp đầy…

 

2. Những năm 1980, người đồng nghiệp của tôi đóng quân ở Quân đoàn 3, Sư đoàn 10, Trung đoàn 28 (Yên Ninh, Phú Lương). Những ngày quân ngũ gian khó, ông và đồng đội đã được nhiều đồng bào ở đây cưu mang, giúp đỡ, đặc biệt là một gia đình người Tày là bà Ma Thị Thơn và ông Nguyễn Văn Phụng. Vùng đất này vốn là vùng đất thuốc của người Dao đỏ nên có rất nhiều bài thuốc quý.

 

Sau khi rời quân ngũ, ông lấy vợ nhưng 3 năm sau vẫn chưa có con. Năm 1995, ông trở lại mảnh đất Yên Ninh và được bà Thơn dẫn tới nhà bà Triệu Thị Nghin. Cuộc nói chuyện giữa họ, khi ấy phải trải qua… 2 lần phiên dịch: Từ tiếng Kinh sang tiếng Tày, rồi lại từ tiếng Tày sang tiếng Dao. Cuối cùng, ông cũng có được một bài thuốc với những quy định rất ngặt nghèo: Vài cây thuốc được hái vào những thời khắc khác nhau trong ngày, khi đến lấy thuốc phải mang một chiếc khăn mùi xoa, trong bọc ít gạo để bà Nghin thắp hương làm lễ cúng “thần thuốc”. Khi sắc xong thì than bếp cũng không được bỏ đi mà phải thả trôi sông… Sau khi uống được vài thang, vợ ông đã có thai trong niềm vui mừng khôn xiết của cả gia đình.

 

3. Bà Nhất dẫn chúng tôi sang nhà bà ở sát bên cạnh. Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng chất đầy những thuốc. Bà Nhất bảo, bà chỉ chữa bệnh trong các trường hợp người bệnh đã đi khám ở bệnh viện và có hồ sơ bệnh án của bác sĩ. Theo đó, tùy từng loại bệnh như thận, trĩ, viêm gan B, tiểu đường, vô sinh, hiếm muộn… mà bà có những bài thuốc khác nhau. Ví dụ như bệnh thận thì thường lấy các vị thuốc như giàng mèo cung, đồng xu, vú sữa, hoa hồng gai… Những cây thuốc bình thường bà có thể lấy ở vườn nhà, nhưng chủ yếu lấy trên núi Bà Họ cách đó chừng 5 cây số.

 

Tiếng lành đồn xa, người nọ mách người kia nên bệnh nhân ở nhiều tỉnh xa như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn… cũng tìm đến nhờ bà. “Mỗi căn bệnh đều có gốc của nó nên khi khỏi bệnh rồi vẫn phải uống thêm một cây gọi là cây gốc. Người bệnh sau khi khỏi phải mang ít gạo đến lễ tạ thần thuốc, như vậy mới mong dứt hẳn bệnh”, bà Nhất bảo.

 

Rời nhà bà Nhất, chúng tôi đến thăm ông Triệu Văn Ngân (50 tuổi) ở cuối bản. Ông Ngân vừa đi chăn trâu về, gương mặt phừng phừng đỏ. Ông Ngân kể, 3 tháng trước, ông có biểu hiện da mặt vàng, ăn uống kém, đi khám ở Bệnh viện đa khoa Phú Lương thì được biết mình bị bệnh gan. Nằm điều trị ở bệnh viện một tuần tốn kém, nhà lại neo người nên ông xin về nhà uống thuốc của bà Nhất. “Uống được 3 thang thì da mặt hết vàng, khỏe lại rồi à. Giờ đã đi chăn trâu được rồi đấy…”, ông Ngân nói bằng chất giọng lơ lớ.

 

Căn nhà chất đầy thuốc của bà Triệu Thị Nghin  

 

4. Ở Yên Ninh, không chỉ có bà Nghin, bà Nhất mà còn nhiều bà mế, thầy lang khác có những bài thuốc quý. Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Triệu Thị Lá (74 tuổi). Bà Lá hiện là hội viên của Hội Đông y xã Yên Ninh. Từ năm 2005, căn nhà của bà đã là địa điểm của rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trường ĐH Dược Hà Nội đến nghiên cứu, tìm hiểu về tri thức chữa bệnh của người Dao đỏ.

 

Theo lời bà Lá, một bài thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn phải có ít nhất 7 vị: địa trùng lẩu, then, nhâu điều mía, đồng định mhây, chầu dập mhây, trụ phim điêng, sắc nam… Một bài thuốc tắm bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh để có thể lên nương ngay sau vài ngày cũng có tới 50 vị…

 

Bà Lá kể, bà không biết tục thờ thần thuốc của người Dao đỏ có từ bao giờ, chỉ biết đến đời bà thì được mẹ đẻ là bà Triệu Thị Nái truyền cho. Người thầy thuốc trước khi bốc thuốc phải thắp hương cúng thần thuốc, có vậy bài thuốc mới hiệu nghiệm. Người đến lấy thuốc cũng phải mang khăn mùi xoa và một bơ gạo đến thắp hương. Bà Lá còn cho biết thêm: “Sau này, bà muốn truyền nghề cho thằng con trai út là Triệu Nguyên Thanh thì phải làm lễ, chuẩn bị một mâm cơm thắp hương và anh Thanh phải mời rượu bà. Trước đây, bà cũng phải mời rượu mẹ mình như vậy”.

 

Lặng nghe một hồi, tôi hỏi: “Vậy thần thuốc là ai mà linh thế hả bà?”. Bà Lá cười móm mém: “Đó là những người đã truyền dạy nghề cho mình, còn gọi là ông tổ nghề. Như bà thì thường thắp hương trước bàn thờ của mẹ mình, cảm ơn bà đã truyền nghề cho và cầu mong bà phù hộ cho mình bốc mát tay, cháu ạ”.

 

Ra vậy, “thần thuốc” trong tâm thức người Dao đỏ, không phải vị thần linh thiêng, huyền bí như tôi vẫn tưởng. Nó chính là biểu hiện của lòng thành kính, biết ơn của họ với ông bà, tổ tiên và những người đã truyền nghề thuốc cho mình.

 

Thầy Trần Văn Long, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội, người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về các bài thuốc của người Dao đỏ ở Yên Ninh cho biết: “Tri thức về các bài thuốc của người Dao đỏ ở vùng đất này là rất lớn. Qua nghiên cứu, chúng tôi đã chắt lọc được nhiều vị thuốc quý và bào chế ra thành thuốc. Tuy nhiên, những kinh nghiệm dân gian này chủ yếu là truyền miệng nên rất dễ mất đi. Bởi vậy, cần có những phương án bảo tồn để lưu giữ những phương thuốc này trong cộng đồng”.

 

Rời Yên Ninh, những ngọn núi cứ khuất xa tầm mắt chúng tôi trong ánh nắng lấp lóa mặt trời chiếu rọi qua những lùm cây trên đỉnh núi. Bất giác, tôi nhớ tới lời thơ của Tố Hữu: “Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/Mình về mình có nhớ không?/Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”..../.