Chủ động ứng phó với dịch sởi

09:10, 15/02/2014

Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện ra trường hợp nào mắc bệnh sởi, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, tại một số tỉnh, thành trong cả nước, ngành Y tế đã chủ động các phương án để ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh xuất hiện.

Bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh sởi có đặc tính là dịch bùng phát theo chu kỳ, thông thường là từ 3 - 4 năm lại xảy ra một đợt dịch. Năm 2010, dịch sởi đã bùng phát trên địa bàn tỉnh với  hơn 1 nghìn ca mắc. Tính đến thời điểm này, đây sẽ là đợt dịch bùng phát theo chu kỳ. Dịch sởi hiện đã bùng phát có T.P Hà Nội - địa bàn tiếp giáp với Thái Nguyên có lưu lượng người đi lại rất lớn nên việc bệnh sởi xuất hiện lại ở Thái Nguyên là điều có thể xảy ra.

 

Trong năm 2013, toàn tỉnh phát hiện và giám sát trên 30 ca nghi sởi. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều cho kết quả âm tính. Từ đầu tháng 1-2014 đến nay, mới có 2 ca nghi sởi được giám sát nhưng cũng cho kết quả âm tính.

 

Đợt dịch lần này mặc dù mang tính chu kỳ, song có điều bất thường là có khá nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, thậm chí trẻ mới được 2 - 3 tháng tuổi cũng bị sởi. Thông thường, đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn được truyền kháng thể của  cơ thể người mẹ sang qua việc bú sữa mẹ giúp miễn dịch với bệnh sởi. Vì vậy, trẻ có chỉ định tiêm vắc xin phòng sởi mũi đầu tiên khi 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi 18 tháng tuổi. Việc nhiều trẻ bị nhiễm sởi khi chưa đến 9 tháng tuổi có thể do người mẹ chưa từng bị mắc sởi nên không có kháng thể truyền cho con, trẻ không nhận được miễn dịch thụ động từ mẹ. Cũng có thể do người mẹ chưa tiêm hoặc tiêm vắc xin trước đó nhưng nồng độ kháng thể không đủ. Trẻ sẽ có sức đề kháng cao nhất khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

 

Trước tình hình đó, để ứng phó với bệnh này, cùng với việc các văn bản chỉ đạo tuyến tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi theo phương châm giám sát ngay từ những ca lẻ đầu tiên, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố tổ chức củng cố lại kiến thức về phòng chống và giám sát bệnh sởi cho hệ thống nhân viên y tế cơ sở. Đặc biệt, yêu cầu hệ thống y tế cơ sở tại các địa phương khẩn trương rà soát lại tất cả trường hợp chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi để tiến hành tiêm bổ sung. Trong các biện pháp phòng tránh bệnh sởi thì tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả và lâu bền nhất.

 

Bệnh sởi nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt thì sẽ không gây nguy hiểm; ngược lại, có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi là viêm phổi và tiêu chảy cấp, một số trường hợp gây khô loét giác mạc, viêm tai giữa, một số ít còn gây viêm não. Bệnh sởi có khả năng lây lan rất nhanh thông qua đường hô hấp, qua nước bọt và nước mắt, vì vậy, mọi người không nên chủ quan với căn bệnh vẫn được xem là “cũ” này.

 

Để phòng, chống dịch sởi, việc giữ gìn vệ sinh trong cộng đồng là vô cùng quan trọng. Các nơi tập trung đông trẻ như trường mẫu giáo cần đảm bảo dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ được vệ sinh thường xuyên. Cùng với đó, phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, không nhất thiết phải đưa trẻ nhập viện khi bị mắc sởi, điều quan trọng là cần phát hiện sớm, có biện pháp cách ly, giữ gìn vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có những triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho kéo dài, tiêu chảy cấp hay một số dấu hiệu lạ về thần kinh thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.