Đẩy mạnh củng cố tuyến cơ sở, phát triển y tế chuyên sâu

07:30, 27/02/2014

Những năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân Kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Hồng Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế về những hoạt động trọng tâm của ngành thời gian qua và định hướng trong thời gian tới trong công tác CSSK và phòng, chống dịch bệnh ở người.

P.V: Xin đồng chí cho biết một số thành tựu mà ngành Y tế đạt được thời gian qua?

 

Đ/c Chu Hồng Thắng: Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo tích cực để nâng cao chất lượng công tác CSSK nhân dân trên địa bàn với phương châm: “Phòng bệnh tích cực, khám chữa bệnh đạt kết quả cao”. Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 22-1-2002 về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, xác định rõ mục tiêu y tế cơ sở là xương sống của ngành Y tế, gần dân, bám sát dân, ngành Y tế đã tập trung thu hút các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và luôn đề cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở là vai trò cốt yếu. Chính vì vậy, trong những năm qua tuyến y tế cơ sở luôn được quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo các chuyên khoa nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Ngành đã đầu tư xây mới và sửa chữa trên 100 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã có 168 trạm y tế xã có bác sĩ; 165/181 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế theo tiêu chí cũ và mới, đạt trên 91% kế hoạch giai đoạn 2010-2015.

 

Bên cạnh đó, ngành Y tế còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, hệ thống giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên, chủ động dập tắt kịp thời các dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không có vụ dịch lớn nào xảy ra; các bệnh dịch nguy hiểm như dịch SARS, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay - chân - miệng, sốt rét, cúm A (H1N1, H5N1, H7N9...) được dự phòng, không để lây lan ra cộng đồng; các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai có hiệu quả, rộng khắp.

 

Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận đều được hưởng các dịch vụ y tế chuyên sâu mà ngành Y tế chỉ đạo thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh một số dịch vụ kỹ thuật cao mà các bác sĩ được học tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và các bệnh viện Trung ương thì một số kíp cán bộ đi nước ngoài học, sau đó về triển khai tại tỉnh cũng đã đạt được hiệu quả cao, thiết thực CSSK cho người dân. Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã có các máy móc hiện đại như dao Gama, máy chụp cộng hưởng từ, siêu âm màu 4 chiều, chụp X - quang kỹ thuật số, CT scaner, laze, Doppler tim mạch… và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Kỹ thuật chạy thận nhân tạo, phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco, phẫu thuật ung thư bằng dao Gama; tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật máu tụ trong sọ não, khối u màng não, gai đôi, mổ nội soi u xơ phì đại lành tính tuyến tiền liệt, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, kỹ thuật nội soi trong lĩnh vực tai mũi họng, sản phụ khoa...

 

P.V: Trong giai đoạn hiện nay, ngành Y tế gặp phải những thách thức gì? giải pháp khắc phục như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đ/c Chu Hồng Thắng:  Trong thời điểm hiện nay, ngành Y tế đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: Một là tinh thần, thái độ ứng xử của cán bộ y tế đối với người dân ở một số nơi, một số bộ phận còn chưa tốt. Hai là nguồn nhân lực của ngành còn thiếu ở cả 3 tuyến là xã, huyện, tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh còn thiếu tới 293 bác sĩ. Ba là nguồn kinh phí hoàn thiện hệ thống y tế về hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực cũng còn hạn hẹp và đầu tư dàn trải.

 

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trong ngành gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành và 12 điều y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Về nguồn nhân lực, để nâng cao chất lượng và bảo đảm đủ bác sĩ cho các tuyến, chúng tôi đang thực hiện giải pháp cử cán bộ đi học trình độ đại học từ y sĩ lên bác sĩ hệ 4 năm (bằng sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và các dự án); tiếp tục tham mưu, đề nghị tỉnh cấp chỉ tiêu đào tạo bác sĩ cử tuyển; phân bố lại nguồn nhân lực trong ngành để cân đối nguồn nhân lực dự phòng và khám, chữa bệnh, bảo đảm nhân lực đủ cho khám, chữa bệnh.

 

Để hoàn thiện hệ thống y tế, chúng tôi thấy rằng nguồn kinh phí hiện nay không chỉ thiếu mà còn phân bổ dàn trải. Trong khi muốn phát triển y tế chuyên sâu thì cần đầu tư nhiều kinh phí để có thể thực hiện thành công các kỹ thuật cao tại địa bàn. Chính vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có kinh phí đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của các bệnh viện. Ngoài ra, ngành Y tế cũng tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương để tập trung đầu tư vào một số đơn vị trọng điểm. Ví dụ trong Đề án y tế chuyên sâu, chúng tôi tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản, nhi cho Bệnh viện A; u bướu, chấn thương cho Bệnh viện C; nội tiết cho Bệnh viện Gang thép; nâng cấp labo thí nghiệm cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh…

 

P.V: Ngay trong năm 2014, ngành có những kế hoạch gì để năng cao năng lực CSSK cho người dân trên địa bàn?

 

Đ/c Chu Hồng Thắng: Trong năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng quy tắc ứng xử trong ngành Y tế, nâng cao y đức, phát huy đạo đức nghề nghiệp; chủ động phòng, chống, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra; quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng chuyên môn y, dược; ưu tiên phát triển các chuyên khoa sâu như: sản, nhi, chấn thương, ung bướu, hồi sức cấp cứu…; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc xây dựng các công trình, đồng thời đầu tư trang thiết bị, cho các đơn vị như: Bệnh viện A, Bệnh viện Phổ Yên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Trung tâm CSSK sinh sản… Ngoài ra, ngành Y tế cũng sẽ tổ chức đánh giá lợi ích của việc thực hiện Đề án xã hội hóa công tác y tế, mô hình liên doanh, liên kết, đưa máy móc kỹ thuật cao ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh, để từ đó có tiếp tục những định hướng cụ thể trong lĩnh vực này.
 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!