Hiệu quả từ sự phối hợp liên ngành

14:08, 11/02/2014

Những năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của từng cán bộ, đơn vị và hơn nữa là sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan tố tụng nên việc giải quyết các vụ án hình sự của huyện Đồng Hỷ đạt hiệu quả cao, từng bước đáp ứng được  yêu cầu về cải cách tư pháp.

Trung bình mỗi năm, Cơ quan điều tra Công an huyện Đồng Hỷ thụ lý, giải quyết và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) cùng cấp đề nghị truy tố trên 100 vụ án hình sự. Cụ thể, năm 2012 là 115 vụ, năm 2013 là 106 vụ. Mặc dù số lượng án khs lớn nhưng TAND huyện đều giải quyết đạt 100%. Điều đáng nói là trong quá trình giải quyết án đã không còn xảy ra tình trạng án bị đình chỉ hoặc hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng. Tuy còn 16 án có kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm nhưng phần lớn bản án đã tuyên đều được giữ nguyên. Một số ít án bị sửa đều bởi lý do khách quan (không nghiêm trọng) và không có vụ án nào phải hủy.

 

Những thành tích đó là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan tố tụng của huyện Đồng Hỷ. Ở đây chính là việc tuân thủ nghiêm túc Quy chế Phối hợp hoạt động liên ngành Công an, VKS, TAND và Thi hành án dân sự. Quy chế này được thống nhất, ban hành năm 2008 theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Đặc biệt, từ khi Thông tư Liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC về “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa VKSND tối cao, Bộ Công an và TAND Tối cao được ban hành thì hiệu quả của sự phối hợp này càng cao.

 

Theo Quy chế, VKSND huyện giữ vai trò là cơ quan thường trực của khối nội chính, có trách nhiệm chủ động liên hệ, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong khối để đảm bảo các hoạt động tố tụng tuân thủ các quy định của pháp luật, đáp ứng vai trò là cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

 

Quy chế này cũng ghi rõ từng điều khoản và trách nhiệm của từng đơn vị trong giải quyết vụ án. Cụ thể, Trong quá trình điều tra, điều tra viên (ĐTV) và kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ án có trách nhiệm liên hệ với nhau thường xuyên để nghiên cứu hồ sơ, vạch tiến độ điều tra, phát hiện, thu thập, củng cố, đánh giá sử dụng chứng cứ đảm bảo nhanh chóng xác định tội phạm cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết vụ án. Trong đó, KSV có trách nhiệm đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản sát thực, phù hợp và có khả thi. Những yêu cầu của KSV mà ĐTV không đáp ứng được phải thông tin, trao đổi lại với ĐTV để bàn phương hướng giải quyết để đảm bảo việc điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu hai bên chưa thống nhất quan điểm về vấn đề nào đó trong vụ án phải kịp thời báo cáo lãnh đạo 2 ngành cùng thảo luận, bàn bạc thống nhất giải quyết.

 

Sau khi TAND thụ lý, nếu thấy hồ sơ còn thiếu thủ tục, tài liệu, chứng cứ, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải trao đổi với KSV kiểm sát xét xử, nếu thấy có thể khắc phục được mà không cần hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung thì KSV chủ động khắc phục. Trường hợp phải hoàn hồ sơ thì KSV cần trao đổi trước với ĐTV để lên kế hoạch điều tra. Bên cạnh đó, trước mỗi phiên tòa, thẩm phán phải dự kiến những diễn biến phức tạp, mất trật tự trị an có thể xảy ra để liên hệ trước với cơ quan công an và địa phương nơi diễn ra phiên toà để chủ động bố trí lực lượng bảo vệ.

 

Để sự phối hợp đạt kết quả cao, các cơ quan liên quan (gồm cả thi hành án dân sự) họp giao ban định kỳ hằng quý có sự tham gia của nội chính cấp Ủy và Chủ tịch UBND huyện. Nội dung cuộc họp là tập trung đánh giá sự phối hợp hoạt động liên ngành trong qúy vừa qua và bàn biện pháp phối hợp quý tiếp theo. Liên ngành cùng thống nhất xác định những vụ án điểm để làm mẫu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Được biết, trung bình mỗi năm, liên ngành tố tụng của huyện Đồng Hỷ xây dựng được khoảng 20 vụ án điểm, chủ yếu là các án về “Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy”, “Hủy hoại tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, “Trộm cắp tài sản”… Ngoài ra, các cơ quan này còn tổ chức trên 30 phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo người dân.

 

Trước đây, các cơ quan tố tụng huyện Đồng Hỷ từng có những vụ án chưa được giải quyết ổn thỏa, án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và cấp phúc thẩm tuyên hủy, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại nhưng cũng nhờ thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành mà đã giải quyết được triệt để. Ví dụ, vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) xảy ra vào cuối năm 2009 là một trong những vụ việc có nhiều tính tiết khá phức tạp, kéo dài. Trong đó, bị cáo Đỗ Huy Tùng (sinh năm 1984) bị Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội Cố ý gây thương tích, buộc bồi thường số tiền hơn 10 triệu đồng cho bị hại. Tùng đã kháng cáo kêu oan. Tại Bản án sơ thẩm số 75/2010/HSST, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án mà TAND huyện Đồng Hỷ đã tuyên, giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Đồng Hỷ điều tra lại vụ án. Nhận thấy đây là vụ việc phức tạp, có sự tham gia của nhiều người trong việc xô xát, đánh nhau nhưng các chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ, khách quan dẫn đến sai sót, vụ án bị kéo dài gây bức xúc trong dư luận. Sau khi tiếp nhận điều tra lại, đại diện các cơ quan tố tụng đã họp bàn, lên kế hoạch, trách nhiệm cho từng thành viên để thực hiện điều tra bổ sung, củng cố thu thập chứng cứ một cách đầy đủ, khách quan. Do vậy, đến năm 2012, vụ án đã được làm sáng tỏ và giải quyết triệt để, Tùng được minh oan còn những đối tượng có liên quan cũng không tránh khỏi liên đới trách nhiệm.

 

Có thể nói, sự phối hợp chẽ, thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng của huyện Đồng Hỷ trong việc giải quyết các vụ án hình sự đã từng bước thể hiện quyết tâm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Điều này không chỉ giúp cho việc giải quyết án đảm bảo đúng thời hạn, tiết kiệm kinh phí cũng như đem lại lòng tin cho nhân dân mà còn đem lại thành tích đáng khen cho mỗi đơn vị. 

 

Ông Nguyễn Thế Chung, Viện trưởng VKSND huyện Đồng Hỷ: Những năm trước, tình trạng án hoàn hồ sơ còn xảy ra khá nhiều (có năm lên tới 10%), có vụ phải hoàn lại tới 4 lần, án bị đình chỉ điều tra do bị can, bị cáo không phạm tội vẫn còn. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, những hạn chế trên đã được khắc phục. Không còn tình trạng hoàn lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc án bị đình chỉ điều tra vì lý do bị can, bị cáo không phạm tội.

 

Ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ: Việc không để xảy ra tình trạng phải hoàn hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã giúp cho việc giải quyết án đảm bảo đúng thời hạn, đạt kết quả cao, không còn xảy ra tình trạng án oan sai phải bồi thường theo quy định của pháp luật, 100% án do VKS truy tố, tòa án đều tuyên có tội. Từ việc đánh giá chứng cứ, tài liệu của VKS ở từng vụ án được đảm bảo nên mức án tuyên thường rất sát với mức án mà VKS đề nghị.