Hiệu quả từ xã hội hoá ở Bệnh viện đa khoa Phú Bình

16:14, 14/02/2014

Phú Bình hiện có gần 15 vạn dân nhưng trên địa bàn huyện chỉ có 1 bệnh viện đa khoa huyện (hạng 3) cùng một số phòng khám với quy mô nhỏ, do đó việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân gặp không ít khó khăn, đáng chú ý là tình trạng thiếu các trang thiết bị máy móc. Từ thực tế đó, năm 2012, Bệnh viện đã thực hiện xã hội hoá việc đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính CT-scaner và XQ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện.

Theo Bác sĩ Dương Chí Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình: Trước đây, hầu hết bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có chấn thương ở phần đầu đều xin chuyển viện lên tuyến tỉnh hoặc Trung ương để chụp cắt lớp. Những trường hợp này, Bệnh viện đều phải đồng ý theo yêu cầu của họ vì không có cơ sở thuyết phục người bệnh và gia đình họ về tình trạng của người bệnh dù không ít trường hợp theo các bác sĩ là không cần thiết. Sau khi chụp cắt lớp, trừ những trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn lại phần lớn người bệnh đều được gia đình đưa trở lại Bệnh viện để điều trị.

 

Trước thực tế đó, với chủ trương xã hội hóa y tế, để thuận lợi cho bệnh nhân cũng như trong công tác điều trị của Bệnh viện, năm 2012, được sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Y tế, Bệnh viện đã liên kết với Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (Hà Nội) đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính CT-scaner và máy chụp XQ số, với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Tính đến nay, sau 18 tháng đi vào hoạt động, đã có hơn 1.300 lượt bệnh nhân sử dụng máy chụp cắt lớp và hàng chục vạn bệnh nhân sử dụng máy chụp XQ số (trung bình mỗi ngày có trên dưới 100 bệnh nhân sử dụng 2 loại máy này). Điều này cũng đồng nghĩa, có hàng nghìn lượt bệnh nhân không phải chuyển viện lên tuyến trên, tiết kiệm cho người bệnh và gia đình họ khá nhiều tiền bạc, cũng như công chăm sóc.

 

Ông Nguyễn Văn Kan, xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, bệnh nhân điều trị tại Khoa Ngoạicủa Bệnh viện nói: Tôi đang điều khiển xe trên đường thì bị hoa mắt, chóng mặt rồi tự ngã, bất tỉnh. Qua hình ảnh chiếu chụp, bác sĩ cho biết, tôi bị gẫy cung tiếp xương gò má trái. Rất may là tại Bệnh viện có máy chụp cắt lớp, nếu không, tôi đã phải chuyển lên bệnh viện tuyến cao hơn. Vợ ông Kan cũng chung quan điểm: Nếu phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thì gia đình sẽ phải tốn kém thêm một khoản chi phí như thuê xe ô tô, làm các thủ tục nhập viện…, cùng với đó là việc chăm sóc của gia đình cũng sẽ khó khăn, vất vả hơn.

 

Còn theo bác sĩ chuyên khoa I Đồng Văn Phúc, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình: Là bệnh viện hạng 3 nên chúng tôi chưa được đầu tư các loại máy móc hiện đại, đắt tiền. Từ khi có 2 loại máy này đã giúp cho đội ngũ y, bác sĩ của Khoa nói riêng, Bệnh viện nói chung yên tâm hơn rất nhiều trong việc khám, chữa bệnh cho người dân, bởi nó giúp việc chẩn đoán và điều trị của chúng tôi thêm chuẩn xác hơn, từ đó rút ngắn thời gian điều trị cũng như giảm chi phí cho người bệnh và gia đình họ. Ngoài những trường hợp bị tai nạn giao thông thì những bệnh nhân có vấn đề ở ổ bụng, tiết niệu, xương khớp… cũng có nhu cầu sử dụng 2 loại máy này rất cao. Để minh chứng cho điều đó, bác sĩ Phúc đưa cho chúng tôi xem 2 tấm phim, một được chụp bằng máy XQ số, một được chụp bằng máy XQ thông thường. Dù không có chuyên môn về ngành Y nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng nhận thấy phim được chụp bằng máy XQ số cho hình ảnh rõ nét hơn hẳn phim chụp bằng máy XQ thông thường. Trong khi đó, kinh phí cho mỗi lần chụp phim không quá cao, chỉ là 50.000 đồng (cao hơn 20.000 đồng so với chụp máy thông thường), được bảo hiểm xã hội chi trả toàn bộ chi phí (dành cho những đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế). Được biết, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình hiện là bệnh viện tuyến huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh có máy chụp cắt lớp bằng việc huy động xã hội hoá.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục huy động thêm từ nguồn xã hội hoá để đầu tư một số máy móc phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh. Đây cũng là điều kiện và tiền đề quan trọng để Bệnh viện phấn đấu thực hiện Đề án nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2 vào năm 2020.