Trong 694 gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” toàn quốc lần thứ II năm 2013, tỉnh Thái Nguyên vinh dự có 9 gia đình tiêu biểu. Mỗi gia đình ở một vùng quê và có cách tham gia phong trào khác nhau, nhưng họ có điểm chung là biết phấn đấu, cống hiến và sống gương mẫu trước các phong trào do Nhà nước phát động. Họ được nhân dân trong vùng ví như những bông hoa - hoa của đời thường.
Những bông hoa của đời thường ấy đã lặng lẽ tỏa hương, cống hiến cho xã hội bằng những việc làm bình dị mà cao quý, như xây dựng nếp sống gia đình chuẩn mực, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, sống gương mẫu, tích cực vận động con cháu nơi mình cư trú không mắc tệ nạn xã hội… Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Phụng, xóm Giếng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) khiêm tốn bảo: Cũng như bao gia đình khác ở nông thôn, gia đình tôi sống chan hòa, đoàn kết với bà con chòm xóm và tích cực tham gia các hoạt động phong trào địa phương.
Đầu xuân năm 2014 này, ông Phụng 81 tuổi đời, 49 năm tuổi Đảng. Trong 15 năm gần đây (1998-2013), gia đình ông liên tục được nhân dân nơi cư trú bình xét đạt gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu. Đặc biệt gia đình ông 2 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa”. Ông cho biết: Trong ngôi nhà của tôi có 4 thế hệ cùng sinh sống, nhưng luôn luôn hoà thuận, vui vẻ, yêu thương nhau.
Còn với ông Hoàng Bằng, 75 tuổi, xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (Võ Nhai) khi được hỏi về kinh nghiệm dựng gia đình văn hóa, ông cho biết: Từ nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của phong trào, tôi luôn nhắc nhở các con, cháu trong nhà và bà con chòm xóm tích cực tham gia phong trào. Bởi gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt.
Từ suy nghĩ như vậy, ông Bằng đã cùng các thành viên trong gia đình tích cực học tập và lao động sản xuất. Nhờ vậy, từ năm 2000 trở lại đây, gia đình ông đã xây dựng được một trang trại vườn, ao, chuồng, rừng mỗi năm thu nhập hơn 800 triệu đồng (đã trừ chi phí). Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông và các thành viên trong gia đình luôn tích cực ủng hộ, xây dựng các quỹ, tham gia giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng, vì thế mọi người trong gia đình ông được bà con nhân dân trong xã quý mến. Năm 2007, gia đình ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Và cuối năm 2013, gia đình ông lần thứ 2 được Bộ tặng danh hiệu này.
Trong đợt khen thưởng lần còn có gia đình ông Nguyễn Trọng Hợp, xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang (T.X Sông Công). Năm nay, ông Hợp 72 tuổi, thương binh hạng ¾, là nạn nhân chất độc da cam. Trong gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, vợ đau yếu quanh năm, trong 4 người con thì có 3 người bị di chứng chất độc da cam, hằng ngày lê lết trong nhà. Ở hoàn cảnh đó, ông đã vượt lên chính mình để lao động sản xuất và trở thành hộ có kinh tế khá. Hơn thế, ông sống mẫu mực, tích vận động bà con nhân dân hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ những hủ tục xưa cũ như ma to, cưới lớn, mê tín dị đoan và luôn hăng hái giúp đỡ các hộ nghèo kinh nghiệm sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Theo danh sách các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, chúng tôi đến xóm Bà Đanh I, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) thăm gia đình ông Dương Xuân Sinh. Một gia đình người dân tộc Sán Dìu, trong nhà có 8 nhân khẩu, gồm 3 thế hệ cùng chung sống. Ông Sinh tự hào cho biết: Kể cả lúc kinh tế gia đình khó khăn nhất, vợ chồng tôi cũng luôn quan tâm đầu tư cho con, cháu được học tập đầy đủ. Các con, cháu của vợ chồng tôi đều học hết THPT, hiện trong nhà có 3 con có trình độ đại học, 3 cháu đang theo học ở các trường cao đẳng… Tôi luôn dạy các con, cháu cách sống chan hòa, biết yêu thương, biết chia sẻ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Về chuyện kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ông Triệu Văn Hưng, người dân tộc Nùng ở xóm Khâu Giáo 2, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cho biết: Trong đời sống kinh tế gia đình cũng có lúc thuận, khi khó, nhưng ở hoàn cảnh nào vợ chồng tôi đều luôn bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu là chỗ dựa vững chắc, là cây cao bóng cả cho con cháu noi theo.
Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Ông Hưng là Trưởng dòng họ Triệu ở xã Bản Ngoại, nên ông Hưng không chỉ chăm lo việc dạy dỗ con, cháu trong nhà chấp hành đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tích cực vận động mọi người trong dòng học và bà con chòm xóm tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong thời gian 3 năm gần đây, ông đã vận động 63 hộ dân xóm Khâu Giáo 2 hiến được hơn 7.000m2 đất và tài sản trên đất, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhưng khi được hỏi về động cơ ông tích cực đi vận động mọi người tham gia các phong trào tại địa phương, ông khiêm tốn, bảo: Đó là việc nên làm cho bản thân mình và cho con, cháu đời sau.
Những tấm gương người tốt, việc tốt luôn nảy nở giữa đời thường. Và hầu hết các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, cũng như của tỉnh đều có thời quá khứ bươn trải trong khó khăn, rồi tự bản thân họ vươn lên trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Họ thực sự là những bông hoa đẹp, luôn tỏa hương từ mỗi việc làm bình dị.