Hội Y học Lao động và vấn đề chăm sóc sức khỏe

17:43, 11/02/2014

Hội Y học Lao động Thái Nguyên là một tổ chức Hội nghề nghiệp trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh. Hội là một tổ chức tự nguyện của những người làm công tác y học lao động, vệ sinh an toàn lao động. Mục tiêu hoạt động của Hội là giúp hội viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, xây dựng nền y học lao động ngày càng phát triển. Tuy ra đời không lâu, song Hội Y học Lao động Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Trao đổi cùng GS-TS Đỗ Hàm, Chủ tịch Hội Y học Lao động tỉnh chúng tôi được biết, Hội được thành lập từ năm 2003, ban đầu chỉ có hơn 30 hội viên, đến nay số hội viên tăng lên 148 người, sinh hoạt tại 6 chi hội. Hội viên của Hội chủ yếu công tác ở các trường đại học, bệnh viện, cán bộ làm công tác an toàn lao động ở một số sở, ngành.

 

Những năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động cụ thể, điển hình là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên... Cụ thể trong 2 năm 2012, 2013, Hội phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức được 2 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và công tác nghiên cứu khoa học, dự phòng các bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho hội viên. Đồng thời định hướng cho hội viên tăng cường công tác nghiên cứu khoa học tập trung vào đối tượng lao động nông nghiệp và các ngành nghề có tính đặc thù, từ đó đề ra các giải pháp để giảm thiểu các bệnh nghề nghiệp, nâng cao ý thức tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân.

 

Hai năm qua, các hội viên của Hội đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, tiêu biểu là Đề tài "Sức khỏe và một số yếu tố liên quan ở công nhân may Thái Nguyên" của hội viên Th.s Hoàng Thị Thúy Hà, công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài này. Theo kết quả nghiên cứu tại 3 cơ sở may mặc trên địa bàn tỉnh là: Công ty may Việt Thái (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG), Công ty Mmay Chiến Thắng và Công ty may TĐT Thái Nguyên thì tỷ lệ công nhân có sức khỏe loại I, II không cao (58,70%), song tỷ lệ công nhân may mắc các bệnh viêm mũi họng vào mùa hè chiếm tương đối cao (67,69-76,20%). Tỷ lệ mắc bệnh viêm phế quản từ 4,23% đến 9,60%. Đặc biệt là bệnh bụi phổi bông, một bệnh nghề nghiệp đặc thù đã phát hiện là 2,31% đến 2,92% là điều đáng lo ngại.

 

Mặc dù trong quá trình làm việc, các công nhân may đều sử dụng khẩu trang, tuy nhiên, số người sử dụng không hợp cách dẫn đến mắc các bệnh viêm mũi họng chiếm khá cao (17,83%). Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đã đề xuất với Hội Y học Lao động phối hợp cùng chủ doanh nghiệp tổ chức các tập huấn về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, trang bị khẩu trang mẫu giảm thiểu các bệnh về đường hô hấp cho gần 500 công nhân may. Thông qua các buổi tập huấn này giúp bản thân mỗi công nhân may đều có ý thức sử dụng khẩu trang hợp cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, đồng thời định kỳ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các chứng bệnh liên quan và nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp trong vấn đề an toàn vệ sinh lao động.

 

 

Đề tài thứ hai được đánh giá mang lại hiệu quả cao của Hội Y học Lao động Thái Nguyên do GS-TS Đỗ Hàm, Chủ tịch Hội làm Chủ nhiệm đó là "Can thiệp phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng ở người lao động nữ, thuộc dân tộc ít người tại khu vực khó khăn ở Thái Nguyên, thông qua các hoạt động truyền thông, nhằm mục tiêu tăng cường sức khỏe, khả năng lao động và góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em”. Đề tài này được nghiên cứu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Theo kết quả nghiên cứu trong 350 phụ nữ trên địa bàn xã Nam Hòa cho thấy tình trạng thiếu máu dinh dưỡng (TMDD) ở mức cao (chiếm khoảng 30%). TMDD nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn thiếu các chất có khả năng hỗ trợ cho quá trình tạo huyết (sinh ra các tế bào máu). Thông thường là do khẩu phần ăn của các gia đình khu vực nông thôn, miền núi nghèo sắt, nhất là sắt nguồn gốc động vật.

 

Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban Chủ nhiệm Dự án thực hiện Đề tài đã chọn lựa phương pháp giáo dục truyền thông dinh dưỡng cho các đối tượng tại cộng đồng nhằm thay đổi những tập quán, thói quen và hành vi liên quan đến dinh dưỡng, để cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại cộng đồng. Ban Chủ nhiệm Dự án đã tổ chức 7 lớp tập huấn (mỗi lớp 50 học viên) về kiến thức dinh dưỡng. Đồng thời tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống suy dinh dưỡng; phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng tại cộng đồng. Sau khi tổ chức các lớp tập huấn và hội thi, kết quả nghiên cứu cho thấy đã cải thiện đáng kể về kiến thức và thực hành dinh dưỡng của các chị em phụ nữ.

 

Qua khảo sát, kiến thức tốt đã thay đổi từ 46,18% lên 85,82%; thái độ tốt đã thay đổi từ 40,55% lên 64,73 và thực hành tốt đã thay đổi từ 33,45% lên 48,73%. Kết quả khám sức khỏe toàn diện 2 đợt vào thời điểm trước can thiệp (tháng 4-2013) và sau can thiệp (tháng 11-2013), bao gồm các khám nghiệm lâm sàng và xét nghiệm máu cho 50 chị em thì số lượng hồng cầu dưới 3,5 triệu từ 21 người trước khi can thiệp giảm xuống còn 14 người sau can thiệp; chỉ số huyết sắc tố dưới 110g/l từ 24 người trước can thiệp, giảm xuống còn 16 người sau can thiệp. Thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng, nhìn chung các chỉ số đều cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở người lao động nữ đã được cải thiện rõ rệt giảm (p< 0,05).

 

Từ kết quả trên cho thấy hoạt động của Hội Y học Lao động Thái Nguyên ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực. Theo GS-TS Đỗ Hàm, Chủ tịch Hội: Thời gian tới, Hội tập trung tăng cường việc phát triển các chi hội thành viên, đặc biệt ở những khu công nghiệp mới. Đẩy mạnh  hoạt động của các trung tâm, phòng tư vấn sức khoẻ lao động và phòng khám dịch vụ sức khoẻ lao động, nhằm giải quyết tốt các yêu cầu thực tế đối với người lao động tại địa phương và các tỉnh bạn. Bên cạnh đó không ngừng có các hoạt động chuyên môn, nhằm gây nguồn quỹ đảm bảo cho các hoạt động của Hội.