Trong thư gửi cán bộ ngành Y tế ngày 27-2-1955, Bác Hồ viết: Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Thực hiện lời Bác, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền và kết hợp với y học hiện đại. Không chỉ có vậy, học Bác, Bệnh viện đã trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của ngành Y tế.
Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh tĩnh lặng hơn ngày thường do lượng bệnh nhân điều trị nội trú giảm chỉ bằng non nửa những ngày trong năm. Trung bình mỗi ngày trong năm Bệnh viện điều trị nội trú cho trên 80 bệnh nhân thì hiện tại, số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện chỉ hơn 40 người. Mặc dù vậy, không khí làm việc của các cán bộ, y bác sĩ ở đây vẫn hết sức khẩn trương, nghiêm túc bởi đặc thù đây là bệnh viện điều trị Y học cổ truyền tuyến trên của các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh, bệnh nhân điều trị chủ yếu được chuyển từ tuyến dưới lên nên tính chất bệnh cũng không hề nhẹ.
Ông Nguyễn Đức Khuê, xã Vô Tranh (Phú Lương) bị đau đầu, đau cơ không rõ nguyên nhân từ trước Tết Nguyên đán. Dịp Tết, ông tự điều trị tại nhà bằng những bài thuốc đông y phổ biển ở địa phương nhưng không khỏi. Mùng 6 Tết, ông Khuê nhập viện điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khi toàn cơ thể đau nhức. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán ông bị thoái hóa đốt sống lưng ảnh hưởng đến thần kinh gây đau toàn thân. Ông được điều trị xung điện, điện châm kết hợp với tiêm thuốc tây y, uống thuốc tây, thuốc nam đồng thời được trị liệu bằng những biện pháp cổ truyền như xoa bóp, kéo giãn xương… Sau 1 tuần điều trị, ông Khuê đã không còn biểu hiện đau thần kinh, đau cơ. Ông nói: Tôi không chỉ vui vì bệnh tình của mình đã thuyên giảm mà còn vui vì tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tốt.
Cùng chung cảm nhận như ông Nguyễn Đức Khuê, ông Ngô Quang Thành, 89 tuổi, lão thành cách mạng ở xã Tân Thành (Phú Bình) lần đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Ông nhập viện với tình trạng huyết áp tăng cao và bị đau thần kinh hông. Mới nhập viện được hơn 1 ngày nhưng sau khi được điều trị, huyết áp của ông đã dần ổn định và ông rất hài lòng về tinh thần, thái độ phục vụ của các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ ở đây. Ông chia sẻ: Tôi chưa bao giờ đến một bệnh viện nào sạch sẽ lại có các cán bộ chu đáo, tận tình và giỏi như ở đây.
Gần 20 năm công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện là lớp cán bộ đầu tiên công tác tại Bệnh viện. Theo chị Thủy, gần 20 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Y học Cổ truyền luôn quán triệt và duy trì thực hiện tốt công tác chuyên môn và quy tắc đạo đức ngành y cũng như lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Đến năm 2007, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị phát động thực hiện đã được đông đảo cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện hưởng ứng thực hiện và trở thành một phong trào thiết thực gắn với việc thực hiện y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Từ đó đến nay, Cuộc vận động đã được Ban lãnh đạo Bệnh viện cụ thể hóa bằng các tiêu chí thi đua trong công việc, gắn liền với các tiêu chí về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Để làm theo Bác đạt hiệu quả cao, Bệnh viện đã yêu cầu toàn thể cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng thực hiện tốt các nội dung nâng cao y đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của ngành Y; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công việc chung của tập thể. Bệnh viện cũng rất coi trọng tinh thần thai độ phục vụ bệnh nhân, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt giữa đồng nghiệp, giữa cán bộ với bệnh nhân tạo môi trường thân thiện, góp phần phát huy hiệu quả công việc. Bệnh viện cũng duy trì tốt các cuộc họp Hội đồng bệnh nhân hàng tuần để để lắng nghe ý kiến của bệnh nhân; thực hiện tốt quy chế dân chủ bằng việc công khai các quyền lợi liên quan đến bệnh nhân, chế độ chính sách đối cán bộ, viên chức. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các cán bộ đi học nâng cao trình độ. Riêng 2 năm 2012 và 2013, Bệnh viện đã cử trên 50 lượt cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và đặc biệt là học các kỹ thuật chuyên sâu, áp dụng điều trị tại Bệnh viện.
Chính vì thế nhiều năm qua, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh không có đơn thư khiếu nại, tố cáo và cũng chưa phải kiểm điểm trường hợp cán bộ nào vi phạm các quy tắc ứng xử của ngành; nhận thức của mỗi cán bộ, bác sĩ được nâng lên và thể hiện bằng những hành động thiết thực, cụ thể như: thực hành tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm… Đặc biệt, tinh thần, thái độ ứng xử với bệnh nhân của các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện được nâng cao rõ rệt… Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Bích Hường, bác sĩ điều trị tại Phòng khám cho biết: Việc làm theo Bác được tất cả các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ Bệnh viện hưởng ứng thực hiện bởi chúng tôi nhận thức đó là những việc làm tốt để chúng tôi phát huy truyền thống của đơn vị. Với riêng tập thể Phòng khám, chúng tôi nhận thức đây là bộ phận đầu tiên đón tiếp người bệnh khi vào viện nên ngay từ đây, bệnh nhân đã được chúng tôi đón tiếp nhiệt tình đồng thời được hướng dẫn thực hiện các nội quy, quy trình điều trị và được nghe giải thích cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của bệnh nhân. Qua đó, chúng tôi đã tạo niềm tin và tinh thần tốt cho bệnh nhân điều trị thành công bệnh tật.
Qua việc thực hiện Cuộc vận động, công tác chuyên môn của Bệnh viện cũng được nâng lên rõ rệt. Với tổ chức bộ máy gồm 116 cán bộ, viên chức trong đó có 25 bác sĩ, 59 điều dưỡng, kỹ thuật viên… được đào tạo các chuyên ngành phù hợp và hệ thống các thiết bị hiện đại như: máy nội soi tai mũi họng, máy sinh hiển vi khám mắt, máy lưu huyết não, máy phát laser điều trị u xơ tuyến tiền liệt; máy phát laser điều trị nội mạch, các thầy thuốc ở Bệnh viện cũng đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bài thuốc y học cổ truyền và kỹ thuật mới của y học hiện đại để không chỉ điều trị có hiệu quả các bệnh không lây nhiễm phổ biến mà còn giảm đau, giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân. Tiêu biểu là các kỹ thuật: điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần, kết hợp ngâm thuốc, bơm cao sinh cơ để nhanh lành vết thương vừa giảm đau lại rút ngắn 1 nửa thời gian điều trị xuống còn khoảng 7 ngày; sử dụng laser nội mạch điều trị bệnh mỡ máu cao, mất ngủ, tai biến mạch máu, tắc tĩnh mạch với hiệu quả cao; sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền điều trị nhồi máu não sau giai đoạn cấp; sử dụng máy điều trị laser điều trị bệnh u xơ tuyến tiền liệt; vận dụng y học cổ truyền với y học hiện đại điều trị các bệnh lý về xương khớp và thần kinh…
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với những thành công trên, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện hàng năm đều tăng trung bình 10 đến 20% trong khi số ngày điều trị trung bình lại giảm khoảng 10 %. Đặc biệt, riêng năm 2013 so với năm 2012, Bệnh viện có số bệnh nhân điều trị nội trú tăng tới trên 40% từ 1,6 nghìn bệnh nhân năm 2012 lên trên 2,3 nghìn lượt bệnh nhân năm 2013 trong khi tổng số ngày điều trị nội trú chỉ tăng trên 20% và số ngày điều trị nội trú trung bình giảm tới 10%. Trong thời gian tới, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh tiếp tục đẩy mạnh “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc hiện quy tắc ứng xử và nâng cao chất lượng chuyên môn. Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để thực hiện tốt lời bác dạy, phục vụ bệnh nhân với tinh thần, thái độ và chất lượng chuyên môn tốt nhất.