Đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên những ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, không có hoa đào, hoa mai, chỉ có những bước chân vội vã, những gương mặt đăm chiêu trước bệnh án của các y, bác sĩ, tiếng lách cách của dao kéo trong phòng mổ, tiếng kêu la của người bệnh và gương mặt rầu rĩ của người nhà bệnh nhân. Vì sức khỏe của người bệnh, niềm vui của mỗi gia đình, cán bộ, y bác sĩ nơi đây đã gác lại niềm vui đoàn viên bên gia đình.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Lịch trực Tết của Bệnh viện đã được thông báo sớm ở tất cả các khoa, phòng. Ngoài lực lượng trực tại Bệnh viện, khi cần bổ sung, thông qua điện thoại, nhân lực hỗ trợ cũng sẽ lập tức có mặt ngay. Chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ nên ai cũng có tinh thần sẵn sàng ‘tác chiến”. Qua theo dõi, năm nay đáng mừng là số bệnh nhân phải nhập viện vì tai nạn giao thông có giảm hơn so với nhiều năm trước, không có tai nạn nào vào viện do sử dụng pháo. Tuy nhiên vẫn có nhiều ca bệnh nặng tập trung chủ yếu ở 2 Khoa Chấn thương chỉnh hình và Khoa Hồi sức, cấp cứu - Chống độc. Tính từ ngày 30 Tết, đến nay, Bệnh viện đã khám và cấp cứu trên 250 ca, trong đó nhập viện đông nhất là ngày mùng 2 Tết với 63 ca khám và cấp cứu.
Đã gần 12 giờ trưa ngày mùng 3 Tết, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, Khoa Hồi sức, cấp cứu - Chống độc vẫn đang cùng các đồng nghiệp hội chẩn về tình trạng của bệnh nhân Trần Văn Hải, ngoài 50 tuổi, trú tại T.P Thái Nguyên. Bệnh nhân bị viêm phổi, nhập viện trong tình trạng phổi bị tổn thương nặng, vô cùng nguy kịch. Tại Khoa hiện có 20 bệnh nhân nặng, trong đó có 7 trường hợp vào viện trong dịp Tết với nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chấn thương nặng do tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa, tai biến mạch máu não...
Chị Cúc chia sẻ: Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hạn chế tối thiểu những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đặc thù ở khoa có rất nhiều bệnh nhân nặng nên ngoài việc sát sao người bệnh, động viên và trấn an tinh thần cho người nhà bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu người nhà họ hoang mang, tập trung đông không chỉ ảnh hưởng đến công việc điều trị của chúng tôi và còn ảnh hưởng cả những người xung quanh. Đang trao đổi với tôi chị có điện thoại, nghe chị nựng con “con ở nhà ngoan, mai trực xong mẹ đưa con đi chơi Tết sau nhé” chúng tôi hiểu được phần nào sự hy sinh thầm lặng của các chị vì người bệnh. Tôi không trao đổi với chị được nhiều bởi chị không thể rời mắt khỏi các bệnh nhân lâu được. Nhìn nét mặt chị khi lo lắng, khi trầm ngâm, lúc giãn ra khi đến kiểm tra tình trạng của mỗi bệnh nhân, tôi cảm nhận chị đã dồn hết tâm trí cho người bệnh.
Cùng với khoa Hồi sức, cấp cứu - Chống độc, Khoa Chấn Thương chỉnh hình cũng là nơi khiến những ai đến đây đều không tránh khỏi bị ám ảnh. Trên gương mặt của Bác sĩ Hoàng Văn Dung, Phó khoa Chấn Thương chỉnh hình còn chưa hết vẻ xót xa khi anh vừa phải thông báo với người nhà của bệnh nhân Dương Thị Hạnh (32 tuổi) và bé Dương Quang Thế (3 tuổi), trú tại xã Yên Ninh (Phú Lương), 2 mẹ con chị đã tử vong trước khi đến Bệnh viện. Anh nghẹn giọng: Nghe người nhà của bệnh nhân nói, 2 mẹ con đang bế nhau đi bộ gần nhà thì bị một chiếc xe máy đâm vào. Thương tâm quá!
Anh cho biết thêm: Các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn phải vào viện trong những ngày này phần lớn đều do ảnh hưởng của rượu, bia. Từ ngày 30 Tết đến nay, Khoa đã tiếp nhận 37 bệnh nhân vào điều trị nội trú, đã có 10 trường hợp phải phẫu thuật bao gồm cả mổ máu tụ trong hộp sọ. So với những năm trước, số người nhập viện năm nay đã giảm đáng kể. Dù vậy, những ngày tiếp theo, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vẫn còn cao vì nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết còn nhiều, đặc biệt trong giới trẻ. Quan sát tại các giường bệnh trong Khoa có thể thấy bệnh nhân bị tai nạn giao thông là thanh niên chiếm phần nhiều.
Đang chăm sóc con gái là chị Dương Thị Hường, sinh năm 1995, bà Vũ Thị Liên (xã Dương Thành, Phú Bình) thảng thốt kể: Hôm mùng 1 Tết cháu nó đi chơi cùng mấy đứa bạn trên T.P thì gặp tai nạn, được người dân gần đó tốt bụng đưa vào viện, giờ cháu chưa tỉnh nên tôi cũng chưa hỏi được sự tình cháu nó ra làm sao. Ngay giường bên cạnh, bệnh nhân Dương Công Thương (Lạng Sơn) 30 tuổi, chân trái bị gãy nhiều đoạn. Người nhà bệnh nhân cho biết: Anh Thương gặp tai nạn khi đi chơi ngày mùng 2 Tết. Vì vết thương quá nặng nên phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Bác sĩ Dung thông tin thêm: Trường hợp này bị sốc chấn thương, tuy bệnh nhân khá tỉnh táo nhưng tình hình vẫn rất nguy hiểm, chúng tôi phải theo dõi 24/24 giờ.
Ngoài khu điều trị, Khoa Chấn thương chỉnh hình còn có các phòng khám, cấp cứu tại khu vực khám bệnh. Từ đây các bệnh nhân sẽ được xác định tình trạng bệnh và chuyển về các khoa, phòng điều trị. Tất bật, nhẹ nhàng và nhẫn nhịn là những điều chúng tôi có thể cảm nhận được ở các y, bác sĩ ở bộ phận này. Bác sĩ Bùi Ánh Tuyết giãi bày: Ngày Tết áp lực với chúng tôi nhiều hơn vì sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, trong khi lực lượng y bác sĩ trực tại chỗ lại ít hơn thường ngày. Ở đây yêu cầu đối với bọn mình là thao tác phải nhanh nhưng cũng phải chuẩn xác, đồng thời phải giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu. Rồi chị cười: Nói để chúng ta chia sẻ với nhau thôi chứ đó là công việc chúng tôi đã lựa chọn, có vất thế chứ vất nữa thì vẫn sẽ dốc hết sức để làm cho tốt. Rồi chị quay sang vỗ vai điều dưỡng Hoàng Thị Mỹ Dung: Như em Dung đây, 2 vợ chồng cùng nghề, hôm nay cùng đi trực, mặc dù là Tết nhưng 2 đứa con nhỏ đang phải gửi mỗi đứa một nơi, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành công việc.
Sẽ chẳng có lời nào có thể diễn tả được hết những vất vả, hy sinh của đội ngũ những y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Họ đã và đang thầm lặng làm cho mùa Xuân của nhiều gia đình thêm trọn vẹn.