Suy ngẫm về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức

18:19, 09/02/2014

Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC) được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, việc kê khai tài sản thời gian qua còn mang tính hình thức và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đấu tranh PCTN và luôn coi đây là một trong những thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của hệ thống chính trị. Ngay từ năm 2003, nước ta đã tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Từ đó đến nay, cả nước đã tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước và phù hợp với đặc điểm tình hình của đất nước. Chúng ta đã sửa đổi Luật PCTN vào năm 2012, đồng thời ban hành nhiều văn bản quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án về PCTN. Trong công tác PCTN, việc bắt buộc phải kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, CCVC là một giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

 

Tuy nhiên, tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN thì việc kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là giải pháp ít hiệu quả. Việc sửa đổi một số điều của Luật này năm 2012 đã tiếp tục đưa vào nhiều quy định mới về minh bạch tài sản, thu nhập. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối năm 2013, trong báo cáo của Chính phủ cho biết, đã có thêm hàng trăm nghìn người kê khai tài sản, thu nhập; song Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại nhận định: chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản, chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp, nguồn gốc của tài sản tăng lên...

 

Nói đến kê khai, minh bạch tài sản cá nhân là đụng vào một vấn đề rất khó, phức tạp. Ngay trong gia đình, đến vợ chồng cũng chưa chắc biết hết thu nhập của nhau, ở đây lại đòi hỏi kiểm soát thu nhập của toàn xã hội. Trong khi đó quy định pháp luật về minh bạch tài sản còn nhiều bất cập, ví dụ kê khai những loại tài sản nào, tổ chức thực hiện ra sao? Từ chỗ kê khai, chúng ta muốn công khai nhưng biện pháp cụ thể lại rất lúng túng. Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ. Hay là việc đăng ký tài sản, ở nước ta tài sản của mình nhưng đứng tên người khác rất nhiều. Loại trừ nguyên nhân về thủ tục hành chính khó khăn chậm trễ, thực chất cũng có sự chủ động của chủ tài sản muốn che giấu, vậy thì giải quyết vấn đề này như thế nào để kiểm soát việc kê khai tài sản cho có hiệu quả? Hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xác định giá trị tài sản kê khai mà chủ yếu dựa vào sự trung thực của CBCC nên việc kê khai chưa bảo đảm tính chính xác.

 

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, trong đó tiếp tục xác định, kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác PCTN. Ðồng thời, quy định vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên trong việc chỉ đạo, tổ chức, thực hiện việc kê khai, kiểm soát kê khai cũng như công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật. Có thể khẳng định, nếu việc kê khai tài sản và giám sát hiệu quả việc kê khai tài sản đều minh bạch, trung thực, rõ ràng, không có những bất thường thì các hành vi tham nhũng, tiêu cực khó có "đất" để tồn tại.

 

Trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập của CBCC cũng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc ở hầu hết các cấp, các ngành, song có lẽ kết quả đạt được cũng không nằm ngoài những đánh giá của Trung ương. Để công tác kê khai tài sản, thu nhập của CBCC đạt hiệu quả, cùng với những biện pháp nói trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần phối hợp thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong kiểm soát tài sản, thu nhập, thậm chí có thể nghiên cứu sử dụng biện pháp mạnh đối với những tài sản không kê khai, hoặc kê khai không trung thực; chú trọng và tăng cường sự giám sát của nhân dân. Công tác kê khai tài sản, thu nhập cần gắn kết với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu, dành thời gian thỏa đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này./.

 

 

Một thống kê mới đây cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với khoảng gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của CBCC và số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng chỉ đạt khoảng 20%.