Báo động tình trạng ngộ độc nấm

16:45, 14/03/2014

Trong một thời gian ngắn, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã xảy ra liên tiếp hai vụ người dân bị ngộ độc do ăn phải nấm độc khiến 1 người tử vong và 9 người đang trong tình trạng nguy kịch. Cả 10 nạn nhân của hai vụ ngộ độc đều ăn phải một loại nấm độc có hình dáng, màu sắc tương tự như những mẫu nấm lành tính, phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh tuy nhiên có độc tính rất cao.

Trong vòng 5 hôm từ 8-3 đến 12-3, 10 người dân tộc Dao ở hai xã Phú Thượng và Liên Minh (Võ Nhai) đã bị ngộ độc do ăn phải cùng 1 loại nấm có độc tính cao khiến 1 người chết và 9 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Trao đổi với chúng tôi, bệnh nhân Đặng Hữu Thuận, xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho biết: Khi thấy con trai là Đặng Hữu Quý mang nấm về trông giống với loại nấm trắng thường sử dụng ăn nên cả gia đình đã chủ quan dùng nấu canh ăn. Trong bữa ăn đó, ngoài canh nấm rừng thì chỉ có những thức ăn thông thường khác là: cá rán, canh bắp cải, cơm tẻ và rượu. Ăn xong, đến chiều ngày 12, cả gia đình đều bị đau bụng, nôn, đi ngoài do ngộ độc nấm.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết: Đây không phải là năm đầu tiên tỉnh ta có trường hợp bị ngộ độc nấm tuy nhiên tình trạng này rất đáng báo động do số lượng người bị ngộ độc nhiều và thời gian giữa hai vụ ngộ độc rất ngắn. Năm 2006, tỉnh ghi nhận 2 trường hợp ngộ độc nấm xảy ra trên địa bàn xã Liên Minh (Võ Nhai) trong đó, 1 người đã tử vong. Qua 8 năm, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện người bị ngộ độc nấm với tính chất nghiêm trọng cả về số người mắc, thời gian giữa các vụ cũng rất ngắn. Ngoài ra, theo ông Cảnh, điều đáng báo động hơn nữa là vào thời điểm thời tiết mưa phùn như hiện nay rất thuận lợi cho các loại nấm độc phát triển. Điều nguy hiểm hơn là một số mẫu nấm độc xuất hiện thời điểm này rất khó để phân biệt với nấm lành tính bằng mắt thường. Thậm chí, một số loại nấm chỉ gây độc đối với người và động vật có vú nhưng không hề gây độc trên gia cầm, côn trùng nên dễ làm người dân nhầm với nấm không độc.

 

Trước tình trạng người dân liên tiếp bị ngộ độc nấm thì UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế họp khẩn cấp với UBND các huyện trong tỉnh và các xã của huyện Võ Nhai để có biện pháp cụ thể tuyên truyền người dân nhận thức đúng về nguy cơ ngộ độc từ nấm để thận trọng khi sử dụng nấm hái từ rừng và bàn phương án hỗ trợ người bị ngộ độc điều trị bệnh. Ông Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Tại cuộc họp, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo các xã, trạm y tế xã trên toàn huyện ngay buổi chiều và tối 13-3 tổ chức họp với các xóm, họp dân khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nấm không rõ nguồn gốc để làm thực phẩm. Với gia đình những người bị nạn, chúng tôi yêu cầu địa phương huy động bà con địa phương trợ giúp tối đa cho các bệnh nhân đang điều trị. Do nguồn lực của địa phương có hạn, chúng tôi kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cùng với huyện trợ giúp người bệnh điều trị.

 

Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế, ngành cũng đã có công văn khuyến cáo tất cả các địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp tuyên truyền tới người dân về nguy cơ gặp phải khi sử dụng nấm không rõ nguồn gốc đồng thời yêu cầu y tế cơ sở tuyến xã, huyện phải là nòng cốt giúp địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền cho người dân. Ngành cũng khuyến cáo tất cả các trường hợp ngộ độc phải được xử lý tại các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất. Trường hợp ngộ độc do ăn nấm độc dưới 6 giờ có thể theo dõi và điều trị tại tuyến cơ sở, trường hợp ngộ độc trên 6 giờ, phải được sơ cứu tại tuyến cơ sở sau đó chuyển lên các tuyến có điều kiện lọc máu, thay huyết tương. Ngoài ra, các trường hợp cùng ăn nhưng chưa có triệu chứng ngộ độc cũng phải được điều trị tại cơ sở y tế. Ngành cũng đề nghị hệ thống chính trị của huyện vào cuộc một cách quyết liệt, tận dụng mọi nguồn lực nhằm đưa thông điệp đến tận người dân là: Cấm ăn nấm lạ, nấm hoang dại, thực phẩm không an toàn.

 

Riêng với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, ngành yêu cầu tham mưu cho huyện, phối hợp với các ban ngành tổ chức chính trị xã hội của địa phương phòng ngừa tái diễn các vụ ngộ độc tiếp theo và khắc phục hậu quả của các vụ ngộ độc đã xảy ra; tổ chức tốt công tác tuyên truyền bác bỏ quan niệm sai lầm về nấm độc đồng thời khuyến cáo người dân không ăn nấm hoang dại, nấm lạ, thực phẩm không an toàn; hoàn chỉnh các bước điều tra tại cơ sở, theo dõi sát và báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh mỗi ngày một lần.

 

Theo thông tin từ Anh Triệu Văn Tiên, Bí thư Chi bộ xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai), là anh ruột của bệnh nhân Triệu Thị Hòa - người đang trực tiếp chăm sóc 5 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nấm cho biết: Ngày 13-3, sau khi nhập viện tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, 5 bệnh nhân đã nhận được hỗ trợ từ phía Ủy ban MTTQ tỉnh với tổng số tiền 25 triệu đồng. Số tiền này đã được nộp làm viện phí tạm ứng cho các bệnh nhân. Ngoài ra, theo anh Tiên, sáng ngày 14-3, UBND xã Phú Thượng đã cử đoàn công tác đến thăm hỏi các bệnh nhân và trao 7,5 triệu đồng tiền xã quyên góp được từ một số nhà hảo tâm trên địa bàn chia sẻ với khó khăn của gia đình anh.

 

Mặc dù vậy, theo anh Tiên, gia đình rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm bởi chi phí điều trị cho em gái, em rể, hai đứa cháu và cậu em là quá lớn, vượt quá nhiều khả năng chi trả của gia đình. Anh cho biết, chỉ tính riêng 2 lần lọc máu cho 5 bệnh nhân từ hôm 13-3 đến nay đã phải mất trên 150 triệu đồng trong khi hoàn cảnh gia đình các bệnh nhân đều rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Riêng gia đình anh Đặng Hữu Thuận và chị Triệu Thị Hòa còn đang vay nợ hàng chục triệu đồng chưa có khả năng chi trả. Những người anh em, họ hàng của bệnh nhân hầu hết cũng là hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn.