Bốc thuốc chữa bệnh, mang tâm cứu người

15:48, 17/03/2014

"Tôi bị thoái hóa cột sống cổ đã hơn 10 năm, lại bị gai đôi cột sống, lưng rất đau không đi lại được, mặc dù chữa chạy nhiều nơi nhưng không khỏi. Nghe bạn bè giới thiệu, tôi đến chữa bệnh tại nhà ông Bình, sau 22 ngày, nay bệnh khỏi hẳn. Trong thời gian trị bệnh, tôi và nhiều bệnh nhân khác được ông chăm sóc chu đáo, tận tình mà không hề so đo tính toán tiền bạc. Ông đúng "Lương y như từ mẫu"... Đó là vài lời bộc bệch của bệnh nhân Nguyễn Thị Long, xã Thanh Lãng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc nhận xét về ông Dương Lâm Bình, xã Cát Nê, huyện Đại Từ qua thư mà tôi tình cờ đọc được.

Thấy chúng tôi đến, ông Bình hồ hởi ra đón. Bước chân vào nhà, chúng tôi thấy mấy người khách đang chờ ông Bình bốc thuốc. Ông Đinh Trung Chính, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho biết: Vợ tôi bị đau nhức cột sống 10 năm nay, chữa chạy nhiều nơi không khỏi, nghe giới thiệu ông Bình trị bệnh đau xương tốt, cho dù đi cả trăm cây số đường, tôi cũng tìm đến.

 

Tâm sự về nghề bốc thuốc, ông Bình hồi tưởng: Quê tôi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ông cụ thân sinh ra tôi tên Dương Văn Sông, làm nghề bốc thuốc Nam. Lúc hơn 10 tuổi, tôi được theo cụ lên rừng kiếm những cây thuốc quý về băm, sao, tẩm. Tôi cũng được ông cụ chỉ bảo từng vị thuốc chữa loại bệnh gì và liều lượng ra sao?... Lớn nên tôi không có ý định đi theo nghề của bố, nhưng công việc nhà nông nặng nhọc khiến bản thân tôi bị bệnh đau lưng. Nhớ lại kiến thức bốc thuốc Nam của bố truyền dạy, tôi tự lấy thuốc và tự chữa khỏi bệnh cho mình, khỏi bệnh, tôi lại lấy thuốc chữa  bệnh giúp người làng, người xóm khi người ta đến nhờ. Mỗi lần tôi chữa bệnh khỏi cho một bệnh nhân, tôi lại thấy vui vì mình đã làm được một điều gì đó mang lại điều phúc cho người bệnh. Từ đó tôi có suy nghĩ mở cơ sở khám, bốc thuốc Đông y. 

 

Để nâng cao kiến thức, ông Bình đã tìm đến thầy thuốc đông y có tiếng Ôn Văn Thái, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (hiện đã mất) để học hỏi và tham khảo thêm cách chữa bệnh bằng thuốc nam. Nhờ đó, tay nghề ông được nâng cao. Giờ ông Bình có thể chữa được các chứng bệnh liên quan đến: dạ dày, gan, thận, các bệnh về khớp. Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông đón tiếp trên 100 bệnh nhân. Ông khoe, năm 2012 có 2 bệnh nhân là người Trung Quốc cũng tìm đến ông để trị bệnh và đều được ông chữa khỏi.

 

Ông Nguyễn Kim Phụng, xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tôi nằm điều trị 15 ngày, trị liệu theo quy trình xông, đắp thuốc khắt khe, đòi hỏi nhiều người phục vụ (hết khoảng 6 tiếng/ngày), hằng ngày được ông và gia đình phục vụ chữa bệnh, ăn uống 3 bữa chu đáo, nhưng cũng chỉ hết hơn 1 triệu đồng. Các đối tượng là thương binh, mẹ, vợ liệt sĩ không tái giá đến chữa bệnh đều được ông thông báo miễn phí tiền khám, bốc thuốc, chữa bệnh.

 

Ông Nguyễn Thái Dũng, xóm Đầu Cầu, xã Cát Nê, là thương binh cho biết: Tôi bị chứng bệnh đau lưng, nghe tin ông Bình cùng xã bốc thuốc Nam tốt, tôi đến chữa, giờ tôi đã khỏi bệnh, nhưng khi trả tiền công, ông Bình không lấy. Ông Lý Xuân Phúc, 75 tuổi, xóm Lò Mật, xã Cát Nê, cũng là một bệnh nhân được ông bình bốc thuốc khỏi bệnh chia sẻ: Tôi tuổi già lại bị bệnh đau lưng thường hay đau nhức, tôi nhờ ông Bình bốc thuốc Nam  để uống, sau khi uống xong, bệnh khỏi nhưng khi trả tiền ông Bình đã từ chối.

 

Tôi thấy lạ, có ý thắc mắc và được ông Bình giải thích: "Tôi chữa bệnh cứu người là chính, lấy tiền gọi là cho người ta khỏi áy náy". Một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đều được gia đình tôi cưu mang. Đơn cử như trường hợp của chị Triệu Thị Ninh, dân tộc Mông, ở huyện Võ Nhai, chồng bị mù, nhà đông con, quanh năm chỉ ăn toàn ngô. Khi đến chữa bệnh, qua tìm hiểu, biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, tôi đã không lấy tiền mà cho cả tiền về nhà.

 

Với cách chữa bệnh, ông Bình xem qua X.Quang, hay các phiếu xét nghiệm của bệnh nhân (dựa vào kết quả của y học hiện đại), sau đó mới căn cứ để bốc thuốc. Đối với những bệnh nhân bệnh nhẹ  ông Bình chỉ bốc thuốc cho người bệnh đem về sắc. Đối với những bệnh nhân  bệnh nặng được ông khuyến cáo ở lại để gia đình chữa trị. Những vị thuốc Nam thường được ông đi lấy ở trên núi đá của dãy Tam Đảo, còn một số vị thuốc hiếm khác thì mua của người Dao ở huyện Võ Nhai. Ông tiết lộ, cây thuốc Nam thường mọc trên núi đá, cây mọc ở vị trí càng cao thì càng chữa bệnh hiệu nghiệm. Hái thuốc cũng là một "bí truyền", theo ông phải theo "căn" nghĩa là căn cứ vào tuổi người lấy và lấy theo giờ và phải căn theo hướng mặt trời. Ông Bình không tiết lộ nhiều với tôi về từng vị thuốc, nhưng điều kỳ lạ, với sự "nhiệm màu" của các cây thuốc Nam, nhiều người đi bệnh viện lớn, chữa chạy bằng thuốc tây mãi không khỏi, nhưng đến ông Bình chữa vài tháng lại khỏi.

 

Khiêm tốn, không nói nhiều về mình, mà chỉ cho chúng tôi xem những lá thư  của bệnh nhân gửi cho ông sau khi khỏi bệnh và được ông cất giữ trong hộp, để nơi trang trọng nhất trong nhà. Có những lá thư còn mới, nhưng cũng có lá đã ố vàng theo thời gian. Chị Phan Thị Ngà, xã Tân Phong, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự: Tôi bị chứng đau lưng,  hàng ngày đi lại khó khăn, sau khi được bác Bình chữa, nay bệnh đã khỏi và lao động bình thường, tôi vô cùng biết ơn ông. Hay trường hợp của ông Ngô Văn Trúc, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam định, bị bệnh xơ gan cổ trướng, bụng phình to, bệnh viện trả về, được một người bạn giới thiệu, anh Trúc tìm đến nhà ông Bình để chữa trị bệnh, sau 4 tháng kiên trì uống thuốc, đắp thuốc giờ anh khỏe mạnh bình thường cũng viết thư bày tỏ lời cảm tạ. Có bệnh nhân còn sáng tác cả thơ tặng ông.

 

Chữa bệnh cho nhiều người khỏi, nhiều người cảm phục về ông, viết thành những trang thư, vần thơ, nhưng qua tâm sự với ông, tôi thấy ông còn những điều trăn trở. "Có những người bệnh đến, tôi chưa chữa được khỏi vì kiến thức y học mênh mông, còn kiến thức chữa bệnh của tôi còn hạn hẹp. Số này không nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn lòng".

 

Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, ông thường xuyên cập nhật kiến thức về cách chữa bệnh theo đông y như: Sách thuốc đông y của ông Đỗ Tất Lợi, hay cuốn sách bí quyết tự chữa trị bách bệnh... Điều mà chúng tôi cảm phục ông hơn cả là ông chữa bệnh không màng đến tư lợi,  đã có vài lần ông được một cơ sở chữa trị bệnh bằng thuốc Nam ở Hà Nội, mời xuống làm việc và trả với mức lương 20 triệu đồng từ năm 2004, nhưng ông đã từ chối, vì ông nghĩ, quê mình còn nhiều người có bệnh sao không chữa mà lại phải đi xa? ông Đỗ Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cát Nê cho biết: Ông Bình là người bốc thuốc Nam có tâm, có uy tín, hiện ông đang là Phó Chủ tịch Hội Đông y xã Cát Nê.

 

Chia tay gia đình ông Bình, chia tay xóm Nương Cao, xã Cát Nê, huyện Đại Từ vào lúc xế chiều, tôi nhớ mãi hình ảnh ngôi nhà đơn sơ của gia đình ông nằm nép dưới chân Tam Đảo, xung quanh cây cối mát mẻ. Tuy đơn sơ, nhưng nơi đây luôn đầy ắp tình cảm của bệnh nhân dành cho ông cùng gia đình.