Như tin đã đưa, sau 3 ngày được điều trị tích cực, 5 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải nấm ô tán trắng ở xã Liên Minh (Võ Nhai) vẫn đang ở trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngộ độc do ăn phải nấm hái trên rừng của một số bà con người dân tộc thiểu số sống ở các địa phương vùng núi của tỉnh.
Sáng 8-3, chị Lý Thị Thơm (sinh năm 1980), trú tại xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh (Võ Nhai) cùng con trai là Lý Minh Khôi (sinh năm 2011) và người cháu họ Lý Thị Thùy (sinh năm 2000) vào rừng hái măng thì gặp một bãi nấm mọc dưới đất, có màu trắng. Chị Thơm đã hái khoảng 1kg mang về. Trưa cùng ngày, 3 người trong gia đình chị Thơm ghé qua nhà của vợ chồng ông Triệu Nho Phú (sinh năm 1958) và bà Vũ Thị Hồi (sinh năm 1954) vốn sinh sống ở bìa rừng thuộc địa phận xóm Vang, xã Liên Minh để nấu nhờ cơm trưa. Chị Thơm đã lấy toàn bộ số nấm hái được trong rừng để nấu canh cho 5 người cùng ăn.
Sáng hôm sau (9-3), chị Thơm cùng con trai và người cháu gái họ đều bị nôn thốc nôn tháo và tiêu chảy nặng. Người thân vội đưa cả 3 người đến Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai cấp cứu. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán họ bị ngộ độc nấm. Khi biết cùng ăn nấm với 3 người trong gia đình chị Thơm còn có 2 người nữa, Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai đã thông báo cho chính quyền địa phương để vào rừng tìm gia đình ông Phú, bà Hồi. Khi chính quyền địa phương và cán bộ y tế đến nơi, vợ chồng ông Phú, bà Hồi gần như kiệt sức vì nôn và tiêu chảy quá nhiều. Tuy nhiên, phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ thuyết phục, ông bà mới chịu đi bệnh viện cấp cứu. Và phải mất 3 tiếng sau, 2 người mới được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai do gia đình ở sâu trong rừng, đường sá đi lại khó khăn.
Ngay khi nhận được thông tin, sáng 9-3, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai. Nhận thấy các bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc rất nặng, các cơ quan chuyên môn đã thống nhất chuyển các bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và chuyển tiếp xuống Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Nấm tán trắng, loại nấm cực độc mà 5 người ở xã Liên Minh (Võ Nhai) ăn phải gây ngộ độc.
Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết: 5 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm vào tối ngày 9-3 trong tình trạng ngộ độc nặng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt, mất nhiều nước, men gan tăng từ 3-5 lần so với bình thường và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp. Đến sáng ngày 11-3, cả 5 bệnh nhân bị ngộ độc đều có biểu hiện nặng hơn và trong tình trạng hết sức nguy kịch. 4 trong số 5 bệnh nhân bị ngộ độc đã được tiến hành lọc máu và truyền huyết tương. Hiện tại, tình trạng của các bệnh nhân đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi…
Được biết, chi phí của mỗi lần lọc máu cho bệnh nhân bị ngộ độc hết 15-16 triệu đồng, tổng chi phí cho cả đợt điều trị hết khoảng 300-400 triệu đồng/người. Trong khi cả 5 bệnh nhân nói trên đều là người dân tộc Dao và đều là hộ nghèo đặc biệt khó khăn của địa phương. Hiện nay, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể của huyện đang tích cực vận động, quyên góp để giúp đỡ gia đình các bệnh nhân. Chiều 10-3, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Võ Nhai, chính quyền xã Liên Minh và các ban, ngành, đoàn thể đã cử Đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai để thăm hỏi, động viên các nạn nhân vụ ngộ độc. Huyện Võ Nhai đã hỗ trợ khẩn cấp mỗi nạn nhân 2 triệu đồnh; UBND xã Liên Minh vận động cán bộ, công chức trên địa bàn xã quyên góp, ủng hộ mỗi nạn nhân 1 triệu đồng. Qua xác định ban đầu của ngành chức năng, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc nói trên là do các bệnh nhân ăn phải nấm độc ô tán trắng, một loại nấm cực độc có hình dáng rất giống một loại nấm trắng không độc mà người dân vẫn thường hái trên rừng về ăn.
Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc nấm, bởi hiện nay đang là mùa sinh trưởng, phát triển của các loài nấm, trong đó có rất nhiều loài nấm độc mọc hoang dại. Bà con ở vùng sâu, vùng xa ở một số địa phương như Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương… vẫn có thói quen hái các loại nấm trên rừng về chế biến thành các món ăn. Trong khi đó, kiến thức về các loại nấm cũng như điều kiện đảm bảo VSATTP ở nhiều người còn hạn chế, vì vậy nguy cơ xảy ra ngộ độc do ăn phải nấm độc là rất dễ xảy ra.
Để tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm vừa có công văn đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân, tuyệt đối không ăn các loài nấm lạ, nấm hoang dại; Tung tâm Y tế các địa phương hướng dẫn người dân cách nhận biết các loại nấm độc; tăng cường công tác kiểm soát, giám sát tại các cơ sở y tế phát hiện sớm và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế huyện hoặc vượt tuyến về Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khi phát hiện ca nghi ngờ ngộ độc nấm, để xử lý kịp thời; các bệnh viện tuyến huyện tiếp nhận và xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc do ăn nấm độc đã được Chi cục ATVSTP tập huấn. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị cần tạo điều kiện về phương tiện để chuyển bệnh nhân đến các tuyến có điều kiện để điều trị.
Hiện nay, 4 trong số 5 bệnh nhân trong vụ ngộ độc do ăn nấm ô tán trắng ở xã Liên Minh đang được điều trị bằng phương pháp lọc máu. Các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiện đang được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ các suất ăn miễn phí.
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh khuyến cáo: Bà con không thử nấm độc bằng đũa bạc, thìa bạc hoặc bằng kinh nghiệm như cho động vật ăn trước. Chỉ sử dụng các loại nấm được nuôi trồng đã được kiểm soát chất lượng; khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời ngay cả khi tình trạng chưa nghiêm trọng. Bởi, với một số loại nấm độc, khi ăn vào, giai đoạn đầu người bệnh vẫn rất tỉnh táo, nhưng sau đó độc tố sẽ ngấm vào máu, hủy hoại tế bào gan, dẫn đến làm người bệnh tử vong do suy gan. |
Anh Lý Tài Hưng, Trưởng xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh (Võ Nhai): Cả 5 người bị ngộ độc do ăn phải nấm độc đều thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mong các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ để họ có tiền chữa bệnh. |
Anh Lý Văn Dũng, xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh (Võ Nhai): Chúng tôi vốn có thói quen sử dụng các loại nấm rừng có sẵn trong tự nhiên để làm thức ăn. Từ khi xảy ra vụ 5 người ở địa phương bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, chúng tôi không dám ăn những loại nấm hái trên rừng nữa… |