Trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (tiền BHXH) của chủ sử dụng lao động cho người lao động đã được quy định rõ trong bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật khác. Nguồn kinh phí này là cơ sở, điều kiện căn bản để giải quyết các chế độ cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, bị thất nghiệp, ốm đau; thai sản. Tuy nhiên, tình trạng chủ sử dụng lao động nợ đọng BHXH của người lao động kéo dài đang rất phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh nhưng việc xử lý, thu hồi rất khó khăn…
Theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện ra tòa đối với đơn vị sử dụng lao động nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình: Đôn đốc kiểm tra, thông báo nợ đọng, chậm nộp, cam kết thời hạn nộp thu của chủ sử dụng lao động). Có vụ việc, toà án đã ra quyết định buộc chủ sử dụng lao động phải trả đủ số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (cả gốc và lãi suất theo quy định của pháp luật) cho cơ quan BHXH nhưng khâu thi hành án lại vướng.
Trường hợp cụ thể là BHXH huyện Đồng Hỷ đã khởi kiện ra tòa đối với Công ty cổ phần Quản lý đầu tư và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ với lý do đơn vị này nợ đọng số tiền thu BHXH của người lao động. Sau nhiều lần làm việc, Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường huyện Đồng Hỷ phải có trách nhiệm nộp tiền BHXH cho BHXH huyện Đồng Hỷ gồm cả khoản nợ gốc và nợ lãi là trên 477,6 triệu đồng...
Cơ quan BHXH huyện Đồng Hỷ đã có đơn đề nghị thi hành án nhưng Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Về sinh môi trường Đồng Hỷ vẫn lấy lý do khó khăn về kinh tế không thực hiện theo quyết định của tòa án. Tiếp tục hành trình đòi nợ tiền BHXH, cơ quan BHXH huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ để xác minh tài sản, tài chính của đương sự nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc thu nợ trượt dài.
Ông Đào Thế Khoa, Giám đốc BHXH huyện Đồng Hỷ cho biết: Đến thời điểm đầu năm 2014, Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ đã nợ BHXH của người lao động lên đến trên 611,2 triệu đồng trong 37 tháng của 18 lao động. Người lao động trong Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Môi trường Đồng Hỷ thiệt thòi vì hàng tháng họ vẫn bị trừ khoản tiền đóng bảo hiểm nhưng lại không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ thai sản, nghỉ ốm theo quy định của pháp luật. Theo tôi, Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ đã cố ý chiếm dụng tài sản của người lao động.
Ngoài Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ, mới đây, BHXH huyện Đồng Hỷ tiếp tục khởi kiện 2 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm của người lao động kéo dài là: Công ty TNHH Quang Huy (với số tiền nợ đọng trên 56 triệu đồng, trong 24 tháng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đồng Phú (nợ đọng BHXH với số tiền là 55,89 triệu đồng, trong 19 tháng).
Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ đã triệu tập 2 công ty này 2 lần nhưng đều không đến làm việc với tòa, cũng không có hồi âm. Theo ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Mặc dù các văn bản hướng dẫn thi hành án trong lĩnh vực nợ đọng bảo hiểm xã hội còn bất cập nhưng các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để cùng với Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đồng Hỷ xác minh tài sản của đơn vị phải thi hành án. Phát hiện có tài sản đảm bảo thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ thu hồi được toàn bộ hoặc một phần nợ BHXH cho người lao động.
Từ sự coi thường pháp luật về BHXH của 3 doanh nghiệp ở huyện Đồng Hỷ, ngoài việc các cơ quan chức năng nên có biện pháp cứng rắn để truy thu số tiền nợ BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động. Đồng thời, để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan xây dựng pháp luật nên tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH được thanh tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHXH đối với đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH kéo dài; xác định tội danh trốn đóng BHXH với số lượng lớn, thời gian quá 12 tháng là vi phạm pháp luật luật hình sự chứ không phải là hành vi dân sự như hiện nay. Các biện pháp quản lý trong lĩnh vực BHXH không đủ mạnh sẽ xảy ra tình trạng nợ đọng BHXH trở nên phổ biến, khó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.