Theo số liệu thống kê từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng năm có khoảng 42.000 cá thể rùa biển bị các ngư dân đánh bắt.
Nghiên cứu trên được tổ chức bảo tồn Blue Ventures phối hợp với Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn thuộc Đại học Exeter thực hiện.
Frances Humber, thuộc tổ chức Blue Ventures, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá hoạt động khai thác hợp pháp rùa biển và cho phép chúng tôi tiếp cận, đánh giá các mối đe dọa liên quan đối với một nhóm loài. Mặc dù mức độ bảo vệ rùa biển ở cấp độ quốc gia và quốc tế đã tăng lên song các hoạt động khai thác hợp pháp đã tạo ra một lượng tử vong rất lớn. Tuy nhiên, đánh bắt hợp pháp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với các mối đe dọa lớn hơn đến từ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp đánh bắt không mong muốn”.
Đánh bắt không mong muốn là hoạt động đặt bẫy rùa biển vì mục đích thương mại có tác dụng làm suy giảm các loài khác. Rùa biển cư trú ở phần lớn các đại dương trên thế giới và tất cả các loài rùa biển đều thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Các quy định về đánh bắt rùa biển được khởi xướng từ năm 1962 ở Bermuda. Luật pháp quốc tế nghiêm cấm đánh bắt rùa biển có đường kính mai dưới 18 inch (45,72cm). Đánh bắt rùa biển vì mục đích thương mại trở nên phổ biến toàn cầu từ những năm 1960 với khoảng 17.000 tấn rùa biển bị đánh bắt hàng năm. Đỉnh điểm của hoạt động khai thác rùa biển Mexico vào năm 1968 với 380.000 cá thể.
Thời gian gần đây, với việc tăng cường nỗ lực và nâng cao nhận thức về vai trò của rùa biển trong tự nhiên đã giúp các loài rùa biển có được sự bảo vệ tương xứng thông qua việc 180 thành viên của CITES đều nhất trí hạn chế buôn bán quốc tế các loài rùa biển.
Kết quả nghiên cứu trên được tiến hành dựa trên việc chọn lọc thông tin về bảy loài rùa biển trên 500 các ấn phẩm và 150 chuyên gia về rùa biển trên toàn thế giới.
Ở nhiều quốc gia và khu vực, việc đánh bắt rùa biển vẫn được coi là hoạt động hợp pháp. Đó là vùng biển Caribê, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương với sự tham gia khai thác của Papua New Guinea, Nicaragua và Australia. Các quốc gia này đã đánh bắt khoảng 42.000 cá thể rùa biển mỗi năm, trong đó có tới 80% là vích.