Đến nay, trong bộ 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), có một tiêu chí mà cả 20/20 xã của huyện Phú Bình đều chưa đạt đó là môi trường (tiêu chí số 17). Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo đồng chí Dương Ngọc Tuyên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình thì nguyên nhân chính là do thời gian qua, các xã trên địa bàn chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện tiêu chí này, mà ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ hơn. Để đạt được tiêu chí này, các xã phải đạt được 5 tiêu chí con, bao gồm: Có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; Trên 90% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục); đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; Nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch (có ít nhất 1 nghĩa trang tập trung); Rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý (trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung).
Trong số 5 tiêu chí con này, chỉ có tiêu chí về nước sinh hoạt hợp vệ sinh về cơ bản các xã đều đạt, còn các tiêu chí khác đều vẫn trong tình trạng khó thực hiện. Phân tích về nguyên nhân, đồng chí Dương Ngọc Tuyên cho rằng, là huyện thuần nông, số hộ chăn nuôi trên địa bàn khá lớn, chỉ riêng việc kiểm tra và xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường của 232 trang trại và khoảng 500 gia trại hiện có trên địa bàn đã là một không đơn giản. Hiện mới có khoảng 60% số trang trại theo đánh giá cảm quan là đạt yêu cầu, còn với gia trại thì phần lớn vẫn chưa đạt, do các hộ dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh… cũng phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và xử lý rác thải đảm bảo đúng quy định, nhưng cho đến nay, ngoài thị trấn Hương Sơn và 2 xã Xuân Phương, Kha Sơn có đội thu gom rác thải, thì 18 xã còn lại vẫn trong tình trạng người dân tiện đâu thì xả rác ở đó.
Bởi thế, các khu vực như: ven đường, sông, suối, kênh, mương… lâu nay đã trở thành nơi “tập kết” rác thải ở hầu hết các xã. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đồng thời cũng làm mất đi mỹ quan đường làng ngõ xóm. Một khó khăn nữa là việc quy hoạch và quản lý theo quy hoạch các nghĩa trang. Trước đây, do các xã đều chưa để ý đến việc này nên người dân các địa phương thường tự tổ chức việc chôn cất người thân theo từng khu vực. Địa điểm mà người dân thường chọn là khu đồi cao, diện tích thường không đảm bảo, nhiều chỗ còn sát nằm trong khu dân cư. Bởi thế, để thực hiện được tiêu chí này, hầu hết các xã đều phải quy hoạch ra những địa điểm khác, hoặc phải mở rộng diện tích các nghĩa trang hiện có… Để làm được điều này, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi đó, kinh phí của Nhà nước dành cho xây dựng NTM ở các xã nhìn chung rất hạn chế, còn nếu huy động đóng góp trong nhân dân thì lại trở nên quá sức, vì họ cũng đã và đang phải đóng góp những khoản tiền không nhỏ để thực hiện một số tiêu chí khác.
Còn theo đồng chí Dương Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ thì để thực hiện được tiêu chí này thì phải thực hiện được một số tiêu chí khác có liên quan, chẳng hạn như đường giao thông. Nếu phần lớn các con đường chưa được đổ bê tông thì không thể tổ chức được việc thu gom rác thải vì các tuyến đường của xã đều là đường đất, rất khó đi. Trong khi đó hiện xã còn tới non nửa đường xóm và nội xóm chưa được bê tông hoá. Đối với việc xây dựng nghĩa trang, hiện diện tích cũng như vị trí các nghĩa trang trên địa bàn xã đều không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Do đó, xã đã quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở xóm Đầm 2, với diện tích 1ha. Tuy nhiên, để giải phóng mặt bằng diện tích đất này cần phải có ít nhất 400 triệu đồng, đó là còn chưa kể đến việc xây dựng hàng rào cũng như hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển phần mộ đến nghĩa trang mới…Vì thế, đồng chí Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ đề nghị, Nhà nước cần tăng nguồn đầu tư hỗ trợ cho việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM; bố trí cho mỗi xã ít nhất 1 cán bộ chuyên trách để thực hiện các phần việc liên quan đến xây dựng NTM, vì hiện nay nhiều các cán bộ đang phải kiêm nhiệm công việc này rất vất vả mà hiệu quả lại không cao.
Đối với xã Đồng Liên, một trong 2 xã của huyện phấn đấu về đích trong năm 2014 (hiện đã đạt 17 tiêu chí) thì việc thực hiện tiêu chí về môi trường cũng gặp không ít khó khăn. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khó khăn nhất của xã chính là việc xử lý rác thải vì địa bàn dân cư nông thôn thường rộng, phân bố không tập trung, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trình độ dân trí còn hạn chế. Trước thực tế này, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết và yêu cầu các xóm trong năm 2014 vận động mỗi gia đình tự đào 1 hố đựng và tự tiêu huỷ rác sinh hoạt; trên mỗi cánh đồng, các xóm tự đào 2-3 hố để đựng bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật (được xã hỗ trợ về xi măng). Ngoài ra, xã cũng sẽ xây dựng 1 khu xử lý rác thải tập trung để hàng tháng đưa về khu xử lý rác thải của huyện; kiểm tra và yêu cầu các hộ chăn nuôi trang trại, các hộ kinh doanh có bản cam kết và nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; hỗ trợ xi măng để xây cổng của 3 nghĩa trang hiện có và vận động nhân dân trồng cây xanh, tạo hàng rào xung quanh nghĩa trang… Với cách làm này, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí này vào cuối năm nay.
Từ thực tế khó khăn hiện nay của các xã trong thực hiện tiêu chí về môi trường rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền các cấp, trong đó có việc ưu tiên dành nguồn kinh phí cho việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền và các hội, đoàn thể cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân; xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường… Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sức khoẻ của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Hy vọng, trong thời gian tới, chính quyền các cấp sẽ quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc thực hiện tiêu chí này.