Đến bản người Mông ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương, nhiều bà con dân bản đã kể cho chúng tôi nghe chuyện về ông Lý Văn Nùng, xóm Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai) - Một đảng viên người dân tộc Mông sống giản dị, gần gũi và luôn gương mẫu trước các phong trào quần chúng.
Nhà ông Nùng ở cuối một ngõ nhỏ thuộc khu dân cư số 8 của xã La Hiên. Tuy đường vào nhà ông xộc xệch đầy đá lớn, đá nhỏ, xe đi bầm dập như xóc ốc vì ổ gà, nhưng chúng tôi không khó tìm vào vì từ ở trung tâm huyện, nhiều người đã chỉ dẫn lối đi cho chúng tôi khá tỉ mỉ. Hôm đó, vào một ngày trung tuần tháng Hai, ông Nùng vừa mang thuốc chữa ho, chữa viêm phổi cho người ốm trở về. Gặp chúng tôi trong nhà, ông Nùng mộc mạc: Từ sau Tết Nguyên đán, thời tiết thay đổi, rét đậm, rét hại kéo dài làm nhiều người già, trẻ em bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Tôi hỏi vui: Khai xuân, đi chữa bệnh cho người ốm, chắc công xá cao hơn ngày thường? Ông bảo: Tôi có lấy tiền lá thuốc của ai bao giờ đâu.
Giữa từng đợt gió mùa Đông Bắc, hơi lạnh phả vào người lạnh buốt, tôi nhìn ra sau vườn thấy rất nhiều loại cây thuốc nam ông trồng. Bằng các loại lá cây, rễ cỏ ấy, ông đã chữa được khỏi bệnh cho nhiều người, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, bệnh gan, thận. Ông bảo: Công việc của tôi là làm ruộng, vườn, còn việc nhặt thuốc nam, mình giúp đỡ bà con là chính... Giây lát dừng lời, ông cho chúng tôi biết thêm: Vợ chồng tôi có 6 người con (4 trai, 2 gái) không ai mắc tệ nạn xã hội và đều đã lập gia đình, ra ở riêng, trong đó có 2 người con tốt nghiệp đại học. 2 vợ chồng tôi hằng ngày chăm bẵm 7 sào ruộng, 3 sào cây na ăn quả và 10 sào rừng keo 4 năm tuổi. Dưới tán rừng, tôi nuôi thêm gần 100 con gà, vài ba đôi lợn thịt.
Ông sinh ra ở miền biên viễn Trà Lĩnh (Cao Bằng). 16 tuổi, ông theo cha mẹ về La Hiên định cư. Lúc ấy vào năm 1970, đây là vùng đất cằn có cư dân thưa thớt. Để ổn định cuộc sống, ông cùng cha mẹ dựng lán ở, hằng ngày cùng nhau mang sức khai phá ruộng bãi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, nên chỉ ít năm sau gia đình ông trở thành một trong những hộ có nhiều đất đai sản xuất trong vùng. Cũng nhờ đó mà cuộc sống gia đình nhanh chóng ổn định. Ông kể: Ngày còn trẻ, ông từng được cán bộ tỉnh trưng tập đi khảo sát tìm đất lập làng cho bà con người Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang di cư về. Chủ yếu đi theo đường chỉ dẫn trên bản đồ, có chuyến phải đi đường rừng cả tuần mới về đến nơi. Rồi chuyện được huyện Võ Nhai trưng tập, giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Chòi Hồng (Tràng Xá).
Sau 2 năm "cơm niêu, nước lọ" để vận động bà con cải tạo đồi, bãi trồng ngô, san bạt đất trũng làm ruộng thì lại “nhận lệnh trên”, về xóm Cây Bòng cùng cán bộ địa phương vận động bà con người Mông tham gia HTX trồng màu (Bấy giờ, nơi ông Nùng sinh sống có hơn 100 hộ người Mông). Rồi làm Trưởng xóm; Chi hội trưởng Nông dân, và trong thời gian từ năm 2008 đến nay ông làm Cụm trưởng dân cư số 8 xóm Cây Bòng. Trong suốt nhiều năm qua, dù làm nhiệm vụ nào ông cũng luôn gần gũi, động viên bà con dân bản yên tâm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. (Sau này, theo nguyện vọng của bà con, nhiều hộ người Mông ở đây đã di rời đến các xã Động Đạt (Phú Lương), Văn Lăng và Quang Sơn (Đồng Hỷ) sinh sống). Cũng vì thế, ông Nùng có mối liên hệ khá thân thiết với bà con người Mông ở hầu hết các làng bản trên địa bàn của tỉnh. Ông bảo: Cuộc sống của nhiều gia đình bà con người Mông còn gặp khó khăn, tôi không có nhiều tiền để cho, nhưng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con kinh nghiệm phát triển sản xuất; đồng thời vận động bà con không mắc vào các tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3 trở lên và không theo đạo lạ Dương Văn Mình…
Giữa cuộc đời thường bình dị, ông Nùng không chỉ biết chăm lo cho hạnh phúc riêng, mà từ hàng chục năm nay ông lặng lẽ mang sự hiểu biết của mình về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền bằng tiếng Mông cho người Mông nghe. Cách tuyên truyền, vận động của ông thông qua việc gặp mặt bạn bè ở chợ phiên, đám cưới và cả đám tang…, cứ có cơ hội là ông trò chuyện, vận động bà con tham gia cuộc vận động lớn “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ông bảo: Tôi hiểu ý nghĩa cuộc vận động này, nên tích cực khuyên bà con cùng tham gia. Có khi phải rủ rỉ trò chuyện với nhau cả đêm bên chén rượu về một công việc gì đó. Để bà con dễ hiểu, tôi thường lấy những tấm gương lao động sản xuất giỏi làm ví dụ cho bà con học tập. Và lấy ví dụ về cảnh nghèo khó của những gia đình có con em nghiện ma túy, sinh nhiều con, lười lao động để bà con phòng tránh. Nhiều người Mông nghe ông hướng dẫn làm kinh tế gia đình đã từng bước thoát nghèo. Nhiều người Mông được ông khuyên giải đã từ bỏ được ma túy…
Từ những việc làm đi vào lòng người, nên ông được bà con đồng bào người Mông cũng như nhân dân trong vùng quý mến. Vì thế năm 1997, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Đạt danh hiệu sản xuất nông, lâm nghiệp giỏi cấp tỉnh”; năm 1999, ông được Hội Nông dân huyện Võ Nhai tặng Giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội”; năm 2000, ông được Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tặng Giấy khen “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn 5 năm 1996-2000”. Đặc biệt năm 2013, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen: “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT - TTg ngày 2/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2013” về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.