Nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND: Còn nhiều băn khoăn

15:06, 15/03/2014

Mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch” là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở Thái Nguyên, mô hình này được thí điểm tại 4 đảng bộ (3 xã và 1 thị trấn), trong đó có xã Phúc Xuân.

 Mắt thấy

 

Đến trụ sở Đảng ủy, UBND xã Phúc Xuân, điều tôi nhận thấy đầu tiên là sự sạch sẽ, ngăn nắp từ cổng cơ quan đến các phòng làm việc.

 

Tôi chú ý đến khu vực tiếp nhận và trả kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính đặt ở tầng 1. Các địa chỉ phản ánh về hoạt động công vụ; mức thu lệ phí hộ tịch - chứng thực dán công khai trên tường; biển chức danh đặt ngay ngắn; cán bộ làm việc đều đeo thẻ, có thái độ niềm nở, hướng dẫn chu đáo.

 

Chị Đinh Thị Bình, công dân xóm Xuân Hòa mang đến một số giấy tờ gốc theo yêu cầu của anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch. Chị nói: Tôi làm thẻ bảo hiểm, không mang đủ giấy tờ nên các anh hướng dẫn tôi về nhà lấy đem lên, cũng nhanh lắm, không phải chờ đợi đâu. Anh Nguyễn Trọng Quế ở xóm Khuân 5 đến giải quyết thủ tục cho con đi làm ăn xa cũng cho biết, anh được cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình, không bị gây khó khăn hay phiền hà gì.

 

Tìm hiểu thêm, tôi được biết thực hiện cải cách thủ tục hành chính là một trong những thành công nổi bật của xã Phúc Xuân. Năm 2013, bộ phận một cửa đã giải quyết 735 hồ sơ về tư pháp - hộ tịch, 312 trường hợp về đất đai - xây dựng, 536 trường hợp về lao động - thương binh và xã hội đúng quy trình, thời gian. Bộ phận đã được T.P Thái Nguyên chọn đề nghị tỉnh khen thưởng.

 

Thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã, ngày 13-1-2010, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phúc Xuân đã bầu ông Trần Ngọc Thành, sinh năm 1956, Chủ tịch UBND xã giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã với tỷ lệ phiếu 93,33%.

 

Không chỉ riêng cải cách thủ tục hành chính, năm qua xã Phúc Xuân cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Về xây dựng chính quyền: thu ngân sách vượt 18%; giảm hộ nghèo từ 4,9% xuống còn 4% (đạt kế hoạch); giao quân vượt chỉ tiêu 13%; đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững. Tập thể được UBND tỉnh tặng danh hiệu Lao động xuất sắc. Về xây dựng Đảng: 80% chi bộ đạt Trong sạch vững mạnh (TSVM) và TSVM tiêu biểu, không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ được Thành ủy Thái Nguyên công nhận TSVM năm 2013 (cũng là năm thứ 3 liên tiếp đạt danh hiệu này).

 

 Và tai nghe

 

Ông Trần Ngọc Thành, Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân tỏ ra không mấy hân hoan trước kết quả của năm qua, cũng như những thành công kể từ khi ông đảm nhiệm hai vai trò cao nhất của xã. Ông nói: Từ lâu nay xã Phúc Xuân đã có đội ngũ cán bộ đoàn kết, Đảng bộ đạt TSVM và TSVM tiêu biểu, chứ thành tích này không phải mới có từ khi nhất thể hóa.

 

19 năm công tác ở xã, ông Thành có 5 năm làm Thường trực Đảng ủy, 10 năm làm Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND, 4 năm làm 2 chức danh Bí thư và Chủ tịch. Ông nhận thấy mảng công việc ông mạnh hơn là lãnh đạo chính quyền. Khi được giao thêm nhiệm vụ Bí thư, ông và cấp ủy đã xây dựng quy chế làm việc gồm 4 chương, 21 điều, trong đó điều 6 “Nhiệm vụ và quyền hạn của Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND” nêu 2 mảng việc rõ rệt. Về công tác xây dựng Đảng: Chỉ đạo kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương; chỉ đạo phối hợp hoạt động chính quyền với các đoàn thể… Về công tác chính quyền: Chịu trách nhiệm trước Đảng ủy và cấp trên toàn bộ hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật, nghị quyết của Đảng…

 

Ông Thành trải lòng: Sau 4 năm, cái được lớn nhất là giảm số đầu cuộc họp để tập trung thời gian hơn cho công việc. Thông thường tôi tổ chức họp toàn thể Ủy ban, sau đó họp Đảng bộ, cuối cùng họp Ban Chấp hành, không phải tổ chức nhiều cuộc họp riêng như trước. Cái được nữa là mình có thể “đổi vai” khi giải quyết công việc liên quan đến người dân hay cán bộ, đảng viên, lúc trong vai chỉ đạo, lúc là người thực hiện, vì vậy công việc chạy hơn, nhanh hơn.

 

- Có ý kiến cho rằng, một người vừa cầm “cờ”, vừa cầm “kiếm” thì sẽ độc quyền, dẫn đến độc đoán? tôi hỏi.

 

- Độc đoán hay không là do chính con người đó. Theo quy định, “cờ” phất ra sao, “kiếm” múa thế nào, không thể tự ý mà phải có ý kiến của tập thể.

 

Cái được thì đã thấy, nhưng ông Thành cũng bày tỏ nhiều tâm tư: Tôi thấy quá mệt vì hai mảng việc đều nặng, nhất là chính quyền, luôn phát sinh sự vụ cần giải quyết, vì vậy tôi có phần “hụt hẫng” công tác đảng, giao nhiều cho Phó Bí thư Thường trực.

 

Tuy nhiên, điều ông Thành băn khoăn nhất là đến nay, ông và những người làm nhất thể hóa chưa một lần được tập huấn hay hướng dẫn nên làm thế nào cho đúng. Các ông cũng chưa một lần được gặp gỡ trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Quy chế cũng do cấp ủy tự mày mò làm ra rồi cũng tự mày mò thực hiện.

 

- Nếu tiếp tục nhất thể hóa, tôi đề nghị Đảng phải chuẩn bị lực lượng tốt hơn. Họ phải là người có trình độ cao, tuổi còn trẻ, và phải được đào tạo, hướng dẫn bằng bài bản - ông Thành đề xuất.

 

Hy vọng những điều "mắt thấy, tai nghe" ở xã Phúc Xuân phản ánh trong bài viết này sẽ giúp Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm cấp tỉnh và thành phố có giải pháp cụ thể để việc nhất thể hóa hiệu quả hơn.

 

Ngày 20-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU về “Thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã” và chọn 4 đảng bộ gồm: xã Đức Lương (Đại Từ), Tân Dương (Định Hóa), Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên).