Nữ trưởng xóm được dân tin yêu

14:57, 31/03/2014

Cùng với chị Nhâm Thị Nguyên, Trưởng xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương) đi trên con đường bê tông phẳng lỳ uốn lượn quanh xóm, chúng tôi luôn bắt gặp nụ cười thân thiện của những người dân nơi đây. 

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chị Nguyên luôn tâm niệm “lấy dân làm gốc”. Bởi vậy, chị nói đi đôi với làm để được người dân tin yêu. Dù cuộc sống đời tư không may mắn khi người bạn đời của chị đã mất từ năm 2007, bản thân chị lại rất bận rộn với vai trò Trưởng xóm, một người mẹ trong gia đình nhưng chị vẫn luôn sâu sát với bà con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

 

Ông Bàn Văn Thành, một người dân trong xóm cho hay: Từ khi làm Trưởng xóm đến giờ, chị Nguyên luôn sát sao, tận tình giúp đỡ bà con chúng tôi. Cái gì không biết, chúng tôi hỏi, chị đều giải thích cụ thể, rõ ràng và nhiệt tình. Trong mọi phong trào của địa phương, chị luôn đi đầu. Đồng thời tích cực vận động để chúng tôi thấy được lợi ích mà mình được hưởng, từ đó mọi người đều đồng tình hưởng ứng tham gia các hoạt động ở địa phương.

Với họ, chị Nguyên như là người thân vậy. Dù mới làm Trưởng xóm chưa đầy 2 năm và là nữ Trưởng xóm duy nhất của xã có đến 23 xóm, bản, nhưng với kinh nghiệm tích lũy được sau gần 20 năm làm cộng tác viên dân số, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, nhân viên Y tế thôn bản, chị Nguyên vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Nhờ sự gương mẫu đi đầu, gần gũi với nhân dân nên năm 2013, chị đã vận động nhân dân trong xóm đóng góp được số tiền gần 100 triệu đồng, ngày công lao động, hiến đất làm trên 300m đường vào khu nhà văn hóa của xóm. Nhà văn hóa của xóm đã xây dựng từ năm 2006 nhưng con đường đi vào khu vực này là đường mòn, mặt đường chỉ rộng 2,5m. Sau khi được bê tông, con đường đã rộng gần 4m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

 

Chị Nguyên tâm sự: Là trưởng xóm thì mọi vấn đề phát sinh ở cơ sở mình đều phải tham gia giải quyết. Có những hôm, 12 giờ đêm rồi mà vẫn có người đến gọi tôi đi hòa giải mâu thuẫn ở nhà dân. Đơn cử như vụ việc của gia đình anh Bàn Văn Nghị, người dân tộc Dao. Vốn tính nóng nảy nên mỗi khi không vừa ý với người thân là anh Nghị thường đập phá đồ đạc trong nhà. Bố, mẹ đã nhiều lần khuyên can nhưng anh Nghị không nghe nên đành nhờ Trưởng xóm khuyên can. Bằng sự chân thành chị đã khuyên bảo một cách nhẹ nhàng; phân tích đúng, sai… “Nói phải củ cải cũng nghe”, anh Nghị đã hứa với chị và bố, mẹ… là sẽ không bao giờ mắc khuyết điểm như thế này nữa. Từ đó đến nay đã tròn 1 năm, anh Nghị luôn giữ đúng lời hứa của mình, biết kiềm chế để cuộc sống gia đình được hòa thuận, yên vui.

 

Không chỉ đứng ra hòa giải những mâu thuẫn của các cặp vợ chồng; giữa bố mẹ với con cái; giữa hộ dân này với hộ dân kia… chị Nguyên còn luôn quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với những kiến thức có được sau các lớp tập huấn cho nhân viên y tế thôn, bản, chị luôn tư vấn, đo huyết áp cho các cụ già lớn tuổi trong xóm. Khi phát hiện có cụ nào bị bệnh huyết áp cao là chị tư vấn để các cụ đến Bệnh viện huyện theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, nhiều cụ, lúc đầu không hợp tác như cụ Vi Kim Ly, năm nay đã 83 tuổi. Cụ cho rằng nhiều năm nay vẫn thấy khỏe mạnh, không thấy biểu hiện của bệnh như đau đầu, chóng mặt… nên vẫn uống rượu, hút thuốc lá… Gặp những trường hợp như vậy chị phải mất rất nhiều thời gian để giải thích, vận động, tư vấn… Kiên nhẫn thuyết phục, cuối cùng thì cụ Ly cũng đã chấp nhận đi viện khám. Hiện nay, cụ đã có sổ theo dõi khám bệnh huyết áp cao tại Bệnh viện huyện.

 

Cứ mỗi kỳ tiêm phòng bệnh, uống thuốc, cân trẻ… là chị đến từng nhà (hiện xóm có 79 trẻ từ 5 tuổi trở xuống) thông báo, vận động bố, mẹ đưa các cháu đi tiêm, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chị cũng tư vấn cho các bậc cha mẹ phải luôn cho con ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng; quân tâm, yêu thương, chia sẻ và dạy dỗ các cháu trở thành những người công dân tốt…

 

Xóm Cộng Hòa có 130 hộ dân với trên 500 nhân khẩu, trong đó có tới 70% là người dân tộc thiểu số như Dao, Nùng, Tày… Đời sống của bà con phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (xóm có gần 15ha lúa); chăn nuôi lợn, gà… Tuy nhiên, nhờ có “nữ thủ lĩnh” năng động, nói luôn đi đối với làm, biết phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình nên Cộng Hòa đã trở thành một trong những xóm có phong trào phát triển kinh tế khá mạnh của xã. Đến nay, xóm chỉ còn 9 hộ nghèo, giảm khoảng 20% số hộ so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 400-500 nghìn đồng/người so với năm 2011. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, hằng năm, 100% gia đình đã thực hiện nếp sống mới, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80-90%...

 

Khi hỏi về bí quyết để được dân mến, dân tin, chị Nguyên chia sẻ: Muốn được người dân yêu mến, tôi luôn tâm niệm mình và gia đình phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Đặc biệt là phải biết gắn kết hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với việc thực hiện các phong trào ở địa phương, từ đó, giúp bà con hiểu và thấy được lợi ích của các phong trào để thực hiện…

 

Còn nhiều cung đường trong xóm chưa được xây dựng, vẫn còn những hộ nghèo đang cần sự giúp đỡ… Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, chị Nguyên dự định sẽ tiếp tục vận động để bà con đóng góp, kiên cố nốt những tuyến đường giao thông còn lại. Đặc biệt, chị đã bàn bạc với Chi hội Phụ nữ lên kế hoạch giúp đỡ chị Lý Thị Phú, hội viên phụ nữ nghèo của xóm…