Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước đứng thứ 12 trong tổng số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu, đồng thời là nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao. Mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó lao phổi mới có vi khuẩn trong đờm khoảng 60.000 người.
Thái Nguyên cũng là tỉnh phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao hằng năm nhiều hơn so với các tỉnh khác trong cùng khu vực. Năm 2013, toàn tỉnh đã phát hiện và thu nhận vào điều trị 918 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó có 505 bệnh nhân lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn trong đờm, đây là nguồn lây chính trong cộng đồng. 2 tháng đầu năm 2014, chỉ riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã phát hiện ra 45 bệnh nhân lao, trong đó 36 người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn trong đờm.
Bệnh lao dù đã có xu hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn có nhiều người mắc và đã xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Đây là một trong những khó khăn, thách thức lớn của Chương trình Chống lao quốc gia, cùng với sự thiếu hụt về tài chính, thiếu hụt về bác sĩ trong mạng lưới chống lao đã làm cho công tác chống lao của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng càng thêm nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đúng đắn về bệnh lao, tình trạng kỳ thị với bệnh nhân lao trong cộng đồng còn cao khiến người dân thường giấu bệnh không đi khám và điều trị kịp thời. Chỉ khi bệnh nặng, họ mới tìm đến các cơ sở y tế để khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Mặt khác, việc điều trị lao phải kéo dài trong 8 tháng, trong thời gian này, bệnh nhân phải uống nhiều loại thuốc, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về giờ uống thuốc. Trong thực tế, vẫn còn có những trường hợp điều trị chưa đủ thời gian, thấy trong người khỏe lên đã tự ý bỏ thuốc, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc và phát bệnh trở lại.
Để công tác phòng, chống lao trên địa bàn hiện nay đạt hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là những người bị bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc khám, phát hiện và điều trị tích cực, tránh làm xuất hiện những chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, và cũng là biện pháp tốt nhất phòng lây lao cho người thân của họ và cho cả cộng đồng.
Mặt khác để duy trì và tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống lao, chúng ta cũng cần có sự đổi mới toàn diện trong chiến lược chống lao. Nếu như trước đây, bệnh lao chỉ được xem là mối quan tâm của những người mắc bệnh, của các cán bộ y tế chuyên trách thì hiện nay, lao phải được xem là căn bệnh của toàn xã hội và cần nhận được sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Công tác phòng, chống lao phải thực sự được xã hội hóa, có sự tham gia của các sở, ban, ngành, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… Chúng ta cũng cần có sự nhìn nhận rõ ràng về trách nhiệm đối với công tác phòng, chống lao, cần sự phối hợp của chính quyền các cấp, ngành. Đặc biệt, để giảm dần số trường hợp mắc lao cần phải có biện pháp truyền thông tích cực, người dân hiểu đúng thế nào là bệnh lao, đường lây truyền như thế nào, điều trị ra sao để mọi người không quá sợ hãi hoặc quá chủ quan… Để làm được điều này không chỉ là sự nỗ lực của riêng ngành Y tế mà cần có sự phối hợp tích cực của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống lao.