Quản lý và phát triển hệ thống chợ: Còn nhiều điểm yếu không dễ khắc phục

08:51, 19/03/2014

Trong tổng số chợ trên địa bàn tỉnh, chiếm trên 90% là chợ nông thôn, được hình thành tự phát, hàng hóa nghèo nàn, hệ thống hạ tầng yếu kém, chính sách quản lý chưa nhất quán, ít được quan tâm ưu đãi đầu tư…Đây được xem là những khó khăn không dễ khắc phục của hệ thống chợ ở tỉnh ta hiện nay. Và dù tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý và khai thác chợ, song không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện được.

Hiện nay, trong tổng số 138 chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 1 chợ do hợp tác xã (HTX) quản lý và 15 chợ do doanh nghiệp đứng ra đầu tư, khai thác, quản lý, số còn lại hầu hết đều do các ban, tổ quản lý, UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý hoặc do tư nhân đứng ra nhận làm việc này. Bởi vậy, tình hình hoạt động của nhiều chợ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ngay cả chợ do HTX đứng ra quản lý cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Đó là chợ Ký Phú - một chợ hạng 3, thuộc xã Ký Phú (Đại Từ). Do không quản lý được nên xã đã giao lại cho HTX Ký Phú tiếp quản, khai thác chợ với hình thức giao khoán thu, tự hạch toán, lấy thu bù chi, trang trải lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác như vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… “HTX Ký Phú không phải được thành lập để quản lý chợ mà chủ yếu là làm các dịch vụ vận tải, điện, nông nghiệp. Hơn nữa, chợ Ký Phú được Nhà nước đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, HTX phải đứng ra góp vốn để sửa chữa, nâng cấp, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên quy mô hoạt động của chợ còn nhỏ, doanh thu thấp” - ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng Quản lý thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) cho biết thêm.

 

Thời gian qua, cũng đã có 13 doanh nghiệp đứng ra đầu tư, quản lý, khai thác các chợ trong tỉnh nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các chợ trung tâm có quy mô lớn nằm trên địa bàn T.P Thái Nguyên, như: Chợ Thái, chợ Đồng Quang, Tân Long, Quan Triều, Phú Thái… Còn hầu hết các chợ nông thôn trong tỉnh đều chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư, quản lý. Mặt khác, bản thân các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang đầu tư, quản lý chợ cũng gặp không ít trở ngại, trong đó đáng kể nhất chính là vấn đề chưa có sự thống nhất, hợp tác giữa nhà đầu tư và các tiểu thương. Thời gian qua, việc nhùng nhằng chưa thể giải quyết đối với chợ Dốc Hanh hay chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) là minh chứng rõ ràng nhất.

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương thì công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua có ít nhất 5 điểm hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Thứ nhất, hệ thống chợ trong tỉnh chủ yếu là chợ nông thôn, hình thành từ trước năm 2006, phần lớn phát triển theo hình thức tự phát. Việc phân bổ chợ không đồng đều, có địa phương hàng chục chợ lớn nhỏ, nhưng có địa phương chỉ một vài chợ, nên đã ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân. Hạ tầng chợ, đặc biệt là điện, đường giao thông trong chợ, hệ thống cấp thoát nước còn nhiều yếu kém. Thứ hai, lượng hàng hóa trao đổi tại chợ, nhất là chợ nông thôn còn nghèo nàn, hoạt động chợ chủ yếu vào buổi sáng, thường một tuần hai phiên, mỗi phiên vài giờ nên việc đầu tư xây dựng mới, hay nâng cấp, sửa chữa chợ ít được quan tâm. Mặt khác, nếu đầu tư thì vốn bỏ ra sẽ lớn, trong khi khả năng hoàn vốn thấp, kéo dài, nên không nhiều nhà đầu tư dám mạo hiểm. Bởi vậy mới sinh ra thực trạng, doanh nghiệp “từ chối” đầu tư các chợ nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa.

 

Hạn chế tiếp theo chính là việc vẫn còn các hộ tiểu thương không kinh doanh tại các đình chợ mà bày bán lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan thương mại của địa phương. Ngoài ra, không ít chợ hạ tầng xuống cấp, công tác phòng cháy chữa cháy sơ sài, không có nội quy hoạt động, kinh doanh chưa hết mặt bằng hoặc xây dựng xong mà không thu hút được số đông tham gia kinh doanh. Điều đáng quan tâm là cơ chế, chính sách quản lý chợ của tỉnh còn chưa đồng nhất, cán bộ quản lý chợ còn yếu về trình độ, năng lực chuyên môn. Đa số cán bộ quản lý chợ chưa qua đào tạo các lớp về nghiệp vụ quản lý kinh doanh chợ. Phần lớn các chợ do xã quản lý hoặc giao cho các tổ quản lý đều gặp khó khăn bởi doanh thu từ bán vé chợ rất thấp hoặc chưa thu được vé chợ.

 

Cuối cùng là do năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm đầu tư kinh doanh chợ của nhiều doanh nghiệp còn chưa đáp ứng nên khi tham gia đầu tư hầu hết đều gặp trở ngại. Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Đây là những điểm yếu không dễ khắc phục trong công tác quản lý chợ. Nguyên nhân là do “cơ chế bao cấp” trong việc đầu tư, quản lý chợ thời gian qua vẫn còn tồn tại và in đậm trong nhận thức của người dân. Ngoài ra, công tác vận động tiểu thương tham gia kinh doanh trong chợ chưa có tính thuyết phục, do đó nhiều tiểu thương còn có tư duy trông chờ, ỷ lại...

 

Mới đây, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành Quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh ta sẽ tiến hành các bước nhằm chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ giao thầu khoán cho các địa phương, cá nhân trước đây sang mô hình các doanh nghiệp, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có 169 chợ các loại với nguồn đầu tư cải tạo, nâng cấp dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và do nhân dân đóng góp. Đây được xem là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của hoạt động thương mại hiện nay.

 

Tuy nhiên, trước thực trạng công tác quản lý, phát triển chợ còn nhiều tồn tại như hiện nay, vấn đề chuyển đổi mô hình chợ thực sự không dễ dàng. Đại diện các ngành, đơn vị chức năng đều cho rằng, điều cốt yếu của vấn đề không nằm ở nhà đầu tư hay các tiểu thương, mà chủ yếu phụ thuộc vào chính sách ưu đãi, khuyến khích cũng như nguồn lực hỗ trợ đầu tư thực sự của mỗi địa phương. Bởi, từ năm 2003, Chính phủ đã có Nghị định về phát triển và quản lý chợ, trong đó đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, quản lý chợ, nhưng đến nay do nguồn tài chính còn khó khăn nên tỉnh ta chưa thể thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách trên.